Thiếu oxy máu não do nghiện Sudoku?
Mọi người đều biết, mọi thứ quá nhiều đều không tốt, điều này rất đúng đối với trường hợp một thanh niên 25 tuổi người Đức, mắc phải căn bệnh mang tên Chứng co giật Sudoku (Sudoku seizures), do nghiện trò chơi Sudoku dẫn đến suýt bỏ mạng vì thiếu oxy máu não tới 15 phút diễn ra hồi tháng 11/2008 trong một tai nạn tuyết lở kinh hoảng trên núi cao.
“Sudoku game thủ” và chứng co giật Sudoku
Theo bài báo đăng tải trên tạp chí y học JAMA Neurology cuối tháng 10/2015, đây là căn bệnh động kinh liên quan đến Sudoku. Chuyện bắt đầu từ khi “game thủ” leo núi trượt tuyết và bị mắc kẹt trong tuyết lạnh. Cuối cùng đã được cứu sống, nhưng trong khi bị chôn vùi dưới tuyết, đương sự đã trải qua một tình trạng gọi là thiếu oxy máu, điển hình bằng việc các mô cơ thể và não không nhận được đủ oxy. Phát sinh hiện tượng co giật cơ bắp đột ngột (Jerks myoclonic), ngoài ra, còn bị động kinh tự phát ở cánh tay trái, vỡ một bên lách và xương hông.
Theo tác giả bài viết tiến sĩ, chuyên gia thần kinh học Berend Feddersen, bệnh nhân thuận tay trái cố gắng giải quyết trò chơi Sudoku, và khi xuất hiện cơn động kinh, cơ bắp cánh tay trái lại xuất hiện tình trạng giật rung. Đây là căn bệnh lạ ít được nhắc đến trong chuyên khoa thần kinh lẫn y văn thế giới. Hiện tượng co giật có thể được kích hoạt bởi các tác nhân bên ngoài như chơi game, đọc sách, làm toán, tắm nước nóng... Trong trường hợp này là do nghiện Sudoku, theo đó khi chơi Sudoku, não xuất hiện “trí tưởng tượng ba chiều” mãnh liệt, được kích hoạt bất cứ khi nào nếu giải những câu đố cân não. Khi chơi Sudoku, các phần não đã được huy động tối đa để suy nghĩ về 3D (ba chiều), cơ chế này diễn ra giống như trong trường hợp bị mắc kẹt trong tuyết lở, khiến não bị thiếu oxy tới 15 phút. Tình trạng quá tải chính là thủ phạm gây tổn thương não và phát sinh ra những cơn động kinh chết người.
Cha đẻ trò chơi Sudoku người Nhật Maki Kaji đang quảng cáo Sudoku tại Mỹ
Tìm hiểu kỹ, và qua phân tích dữ liệu hình ảnh não bộ, các bác sĩ phát hiện thấy sự thiếu oxy chính là thủ phạm làm tổn thương não, đặc biệt là các u xơ (U-fibres) được tìm thấy xung quanh não đã làm tăng sự ức chế. “Khi tế bào thần kinh bị chết, và khi không đủ ức chế, sự tổn thất u xơ dẫn đến sự kích hoạt quá tải. Đối với bệnh nhân nói trên, nếu cai được Sudoku, cơn động kinh sẽ giảm dần trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm”, Berend Feddersen nhận định.
Chàng trai trẻ này được được cứu sống còn do may mắn ngẫu nhiên, cùng trượt tuyết với một người bạn là nhân viên y tế, biết cách sơ cứu, tiến hành ngay thủ thuật CPR (hô hấp nhân tạo bằng miệng), hồi sức tim phổi để phục hồi lượng máu giàu oxy lên não. Một vài tuần sau, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện đến cơ sở phục hồi chức năng nhưng lại chơi Sudoku, và ngay lập tức, những cơn co giật kích hoạt bởi trí tưởng tượng ba chiều mãnh liệt lại quay trở lại. Bác sĩ kê toa thuốc chống động kinh, bệnh tình được kiểm soát, nhưng để hạn chế tái phát, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân buộc phải cai Sudoku hoàn toàn. Tháng 11/2014, tiến sĩ Berend Feddersen gặp lại bệnh nhân lần cuối, nhưng chứng co giật vẫn bị ảnh hưởng, tác động tới phát âm và khả năng đi bộ, nhưng các triệu chứng dần dần cải thiện nhờ vật lý trị liệu, song phải uống thuốc chống động kinh thường xuyên và phải tránh xa Sudoku.
Quá tải Sudoku có thể kích hoạt não phát sinh chứng co giật chết người
Sudoku là gì?
Theo trang tin VWO/EWO, Sudoku là từ gốc trong tiếng Nhật, nhưng lại có nguồn gốc từ Mỹ với tên gọi “đặt con số vào vị trí đúng”. Đây là trò chơi giải trí phổ thông ở Nhật, trong khi đó ở nhiều nơi thế giới vẫn muc tịt về trò chơi này. Tờ Times của Anh bắt đầu đăng tải trò chơi Sudoku trên số báo ngày 12/11/2002 và từ đây nhiều nơi ở Âu Mỹ bắt đầu làm quen với trò giải trí này. Sukodu có sẵn trên Internet và có thể download xuống điện thoại di động. Một số tờ báo còn mở các cuộc thi, và mốt chơi Sudoku đang lan dần từ Anh tới Australia, Nam Phi và Mỹ. Một số báo dùng chương trình của Gould, số khác tự tạo ra các câu đố của riêng mình, thuê các công ty hay mua lại bản quyền từ các nhà xuất bản của Nhật.
Mô hình trò chơi Sudoku
Tim Preston, giám đốc Puzzler Media, nhà xuất bản các tạp chí và sách câu đố lớn nhất của Anh, cho biết Sudoku thực ra là phát minh của nhà toán học thế kỷ 18 Leonhard Euler, người Basel, Thuỵ Sĩ. Trong số các trò chơi Leonhard Euler nghĩ ra có Hình vuông Latinh sắp xếp các con số sao cho chúng không trùng lặp theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Euler thông minh đến mức ông có thể thực hiện những phép tính phức tạp và xây dựng các công thức hoàn toàn bằng trí nhớ, kể cả sau khi ông đã bị mù. Đến thập kỷ 70, NXB Dell của Mỹ đưa nó vào những tập sách đố, và đặt tên cho nó là Vị trí con số. Do cái tên thiếu hấp dẫn nên đã bị lãng quên, nhưng khi nó du nhập vào Nhật đã được người dân xứ sở Phù Tang biến thành Nikoli trước khi mang tên gọi chính thức là Sudoku.
Hãng Sky One truyền hình trực tiếp trận đấu Sudoku đầu tiên thế giới ngày 1/7/2005
Sudoku trong tiếng Nhật có nghĩa là số độc, trò chơi lôgic với cách chơi là điền số từ 1 - 9 vào những ô trống sao cho mỗi cột dọc, mỗi hàng ngang, mỗi phân vùng nhỏ (ô 3 x 3) có đủ các số từ 1 đến 9 mà không được lặp lại. Bảng câu đố hình vuông, mỗi chiều có 9 ô nhỏ, hợp thành 9 cột, 9 hàng và được chia thành 9 ô lớn 3 x 3. Một vài ô nhỏ được đánh số, đó là những manh mối duy nhất để người chơi tìm lời giải. Tuỳ theo mức độ nhiều hay ít của các manh mối, các câu đố được xếp loại dễ, trung bình, khó và cực khó. Ngoài ra, còn những bảng như 16 x 16, 25 x 25 hay thậm chí 100 x100.