Hà Nội

Vì sao sữa non là nguồn dưỡng chất quý giá?

07-10-2023 06:31 | Dinh dưỡng mẹ và bé
google news

SKĐS - Tốt nhất, trong vòng 1 giờ đầu sau sinh người mẹ nên cho trẻ bú để bé tận dụng được nguồn sữa non quý giá giàu dưỡng chất, giúp trẻ phát triển vững chắc những ngày đầu đời.

Dinh dưỡng trong sữa mẹ giúp giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ Dinh dưỡng trong sữa mẹ giúp giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất và hoàn chỉnh nhất bởi vì thành phần chất dinh dưỡng trong sữa mẹ là vừa đủ cho nhu cầu khuyến cáo hàng ngày của trẻ.

Thành phần dinh dưỡng của sữa non

Sữa non hay sữa đầu, còn được gọi là thức ăn đầu tiên của sự sống (tên khoa học gọi là colostrum). Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh trong sữa non có chứa rất nhiều kháng thể và bạch cầu… giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, cũng như bảo vệ hệ tiêu hoá và phá huỷ các tác nhân gây bệnh, giúp trẻ tăng cường thể lực, phát triển khoẻ mạnh.

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, sữa non là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành.

Vì sao sữa non là nguồn dưỡng chất quý giá? - Ảnh 2.

Sữa non chứa rất nhiều dưỡng chất quý giá cho trẻ.

Sữa non giàu kháng thể giúp phòng chống dị ứng và nhiễm khuẩn. Sữa nhiều tế bào bạch cầu giúp phòng chấp nhiễm khuẩn. Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, đào thải phân su, giảm mức độ vàng da. Sữa non chứa nhiều yếu tố tăng trưởng giúp cho đường ruột của trẻ tiếp tục hoàn thiện sau sinh, giúp ruột trưởng thành, phòng chống di ứng, không dung nạp thức ăn khác. Sữa non rất giàu vitamin A giảm mức độ nặng khi bị nhiễm khuẩn.

Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên là rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.

Sau vài ngày (khoảng 3-4 ngày) sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng "xuống sữa".

Sữa đầu bữa: Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú mẹ là đủ, không cần uống thêm nước, ngay cả khi thời tiết nóng. Nếu cho trẻ uống nước thì trẻ sẽ giảm bú mẹ.

Sữa cuối bữa: Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn, vì vậy điều quan trọng là cần để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay mẹ chuyển bên sớm quá.

Trong 6 tháng đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Cụ thể: từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng và từ 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng. Vì vậy, tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ đều cần được ăn bổ sung. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng và cung cấp các chất dinh dưỡng có chất lượng cao cho trẻ trên 6 tháng tuổi nên cần duy trì tới khi có thức ăn thay thế đầy đủ sữa mẹ.

Cho trẻ bú đúng cách để tiết sữa nhiều hơn

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên và bổ dưỡng nhất cho trẻ sơ sinh và giúp trẻ ít bị ốm đau. Đặc biệt hơn, cho con bú là sợi dây vô hình gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và bé. Khi mẹ cho con bú, bé sẽ nhận ra hơi mẹ, cảm nhận được hơi mẹ ngay từ lúc lọt lòng.

Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi bầu sữa căng sữa, người ta quen gọi là "xuống sữa", như vậy là không đúng vì chậm bú sau đẻ càng làm sữa xuống chậm và càng dễ bị mất sữa. Tốt nhất, trong vòng 1 giờ đầu sau sinh người mẹ nên cho trẻ bú để bé tận dụng được nguồn sữa non quý giá. Đồng thời, động tác bú của bé còn làm cho bà mẹ có phản xạ co hồi tử cung tốt, hạn chế nguy cơ băng huyết (chảy máu tử cung) sau đẻ, khi bé bú càng làm cho mẹ "xuống sữa" nhanh hơn.

Theo nghiên cứu thì tỷ lệ tử vong ở trẻ giảm một cách đáng kể nếu sau sinh vài giờ bé được bú loại sữa non quý giá này, đồng thời có những cử chỉ âu yếm, gần gũi và cho con bú bất cứ khi nào bé muốn giúp người mẹ sản xuất sữa nhiều hơn cho bé.

Bà mẹ có thể cho trẻ bú trong tư thế ngồi, nửa nằm, nửa ngồi và nằm. Cho trẻ bú đúng cách bao gồm tư thế của bà mẹ khi đỡ bế trẻ và cách "ngậm bắt vú" của con. Tư thế của bà mẹ khi đỡ bế trẻ cần bảo đảm bốn điểm then chốt về cách đặt trẻ vào vú mẹ, đầu và thân trẻ nằm trên cùng một đường thẳng; bụng trẻ áp sát vào bụng người mẹ, mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú. Đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ không những đỡ đầu, vai trẻ mà còn phải đỡ mông trẻ.

Lưu ý, bà mẹ có thể cho con bú ở tư thế nằm hay ngồi, nhưng dù nằm hay ngồi thì hai mẹ con cũng được thoải mái để mẹ không bị mỏi; con không bị vặn người giúp cho trẻ bú được lâu - đẫy bữa và bú được "sữa cuối" trong bầu vú mẹ.

Cách ngậm bắt vú: Cần bảo đảm bốn điểm then chốt của ngậm bắt vú đúng là quầng vú phía trên còn nhiều hơn phía dưới, miệng trẻ mở rộng, môi dưới của trẻ hướng ra ngoài, cằm trẻ chạm vào vú mẹ. Ngậm bắt vú tốt là trẻ ngậm sâu hết cả núm vú, cằm trẻ sát vào quầng vú bên nên khi bú lưỡi trẻ áp sát được vào quầng vú (các xoang chứa sữa) mút được nhiều sữa hơn và không có khoảng trống tránh mút cả không khí vào.

Ngậm bắt vú sai là trẻ chỉ mút núm vú, tạo khoảng trống giữa miệng trẻ và vú mẹ vừa không có lực ép vào quầng vú lại vừa có khoảng trống khiến trẻ mút cả hơi vào làm trẻ bị no giả. Sau bữa bú nếu không biết bế vác trẻ vỗ nhẹ vào lưng cho trẻ ợ hơi ra thì có thể trẻ sẽ bị nôn, trớ.

Tạo điều kiện tốt nhất giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi con bằng sữa mẹTạo điều kiện tốt nhất giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi con bằng sữa mẹ

SKĐS - Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhất là tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em trong cộng đồng dân tộc thiểu số là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ngỡ ngàng trước cân nặng "khủng" của bé sơ sinh vừa chào đời | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn