Hà Nội

Vì sao số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng cao, kéo dài trong năm qua?

26-01-2024 17:09 | Y tế

SKĐS - Nếu như mọi năm dịch sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, trong năm 2023, đã có ngoại lệ khi số mắc của TP Hà Nội tăng cao, dịch kéo dài, khác thường so với chu kỳ các năm trước...

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 của Bộ Y tế, thông tin về dịch bệnh sốt xuất huyết, TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, năm 2023 nước ta ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết , 43 trường hợp tử vong. So với năm 2022, số mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp).

Vì sao số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng cao, kéo dài trong năm qua?- Ảnh 1.

TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu.

Tuy nhiên, theo TS Đức nếu như mọi năm dịch chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, trong năm 2023 đã có ngoại lệ số mắc của TP Hà Nội tăng cao, dịch kéo dài, khác thường so với chu kỳ các năm trước.

Theo thông lệ, tại miền Bắc dịch bắt đầu tăng lên từ tháng 10 sau đó giảm dần, tuy nhiên trong năm 2023 đến tận tháng 11, 12, số mắc sốt xuất huyết của TP Hà Nội vẫn tăng. Hiện nay, trên cả nước về cơ bản số mắc giảm dần. Các địa phương ghi nhận số mắc sốt xuất huyết cao trong năm 2023 là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương …

Báo cáo Sở Y tế Hà Nội tại hội nghị cho thấy, trong năm 2023, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng so với các năm trước, toàn Thành phố đã ghi nhận 40.502 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn và 4 ca tử vong; Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (19.668 trường hợp, 25 tử vong). 

Đỉnh dịch năm 2023 rơi vào tuần 42 và có xu hướng giảm từ tuần 46; Ghi nhận 1.977 ổ dịch sốt xuất huyết trong đó 18% số ổ dịch có từ 5 bệnh nhân trở lên, ghi nhận một số ổ dịch phức tạp quy mô xã, phường.

Kết quả điều tra sự phân bố của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cho thấy muỗi truyền bệnh tại Hà Nội bao gồm 2 loài là Ae. aegypti và Ae. albopictus. Trong đó, véc tơ chính truyền bệnh là muỗi Ae. Aegypti trước đây phân bố chủ yếu tại các quận nội thành và một số huyện ven nội, còn tại các huyện sự phân bố không đều và rải rác. 

Tuy nhiên sự lan rộng của véc tơ chính là muỗi Ae. aegypti trong giai đoạn những năm gần đây rất nhanh chóng: Năm 2015 chỉ có 15/30 quận/huyện/thị xã có sự lưu hành của muỗi Ae. Aegypti, đến hiện tại năm 2023 kết quả giám sát cho thấy 29/30 quận/huyện/thị xã đã phát hiện được muỗi Ae. Aegypti (trừ Sóc Sơn).

Kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 ghi nhận sự lưu hành của 3 tuýp virus DENV-1, DENV-2, DENV-3. Hà Nội có đầy đủ sự lưu hành của cả 4 tuýp virus Dengue trong đó chủ yếu là tuýp DENV-1 và DENV-2. Tuýp DENV-4 có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và tuýp DENV-3 phát hiện được tại các năm 2009, 2010, 2012, 2013, 2018 và 2023. 

Về công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó dịch sốt xuất huyết trong năm 2024, Sở Y tế Hà Nội cho biết tiếp tục chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phòng, chống dịch, liên kết hệ thống thông tin, cơ sở y tế - bệnh nhân, dự phòng - điều trị...

Thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...); Xây dựng giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Nâng cao chất lượng công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; 

Vì sao số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng cao, kéo dài trong năm qua?- Ảnh 2.

Kiểm tra, giám sát dịch tễ phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội.

Cùng đó làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, xây dựng và triển khai phương án phân tuyến điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong; Nâng cao năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm và giám sát tuýp virus lưu hành; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết bệnh bằng nhiều hình thức; Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch tại các tuyến theo đúng phương châm “4 tại chỗ“...

Phát biểu kết luận tại hội nghị phòng chống dịch bệnh năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu Cục Y tế Dự phòng cần phân tích kỹ vì sao bệnh bạch hầu vẫn xảy ra, sốt xuất huyết tăng ở Hà Nội, từ đó xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2024 sát với thực tế, rõ ràng, trong đó củng cố, kiện toàn lại hệ thống giám sát dịch bệnh.

COVID-19 và các bệnh dịch nguy hiểm ở nhiều nước tăng, chuyên gia khuyến cáo gì?COVID-19 và các bệnh dịch nguy hiểm ở nhiều nước tăng, chuyên gia khuyến cáo gì?

SKĐS - Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác. Trong nước, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng, lây lan dịp Tết. Bộ Y tế đã 'kích hoạt' tăng cường kiểm dịch y tế biên giới...

Thái Bình
Ý kiến của bạn