Số ca mắc mới giảm, ca khỏi nhiều lên mỗi ngày, số tử vong giảm
Chiều 7/10, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố/quận/huyện/thị xã. Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong giai đoạn được cho là căng thẳng nhất của cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần thứ 4 từ 23/8 đến 30/9 với đặc thù biến chủng delta, Ngành y tế đã triển khai chiến lược xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm và thực hiện đúng theo tốc độ của xét nghiệm là 48 giờ xét nghiệm một lần (đi trước tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2). Nhờ thế, đến nay, ca nhiễm mới trong cộng đồng và trường hợp bệnh trở nặng, tỷ lệ tử vong giảm xuống.
"Đến hôm nay kết quả phòng chống dịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cho thấy chúng ta đi đúng hướng trong phòng chống dịch. Số ca mắc mới giảm, ca khỏi nhiều lên mỗi ngày, số tử vong giảm"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Trao đổi thêm về nội dung này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay: "Đợt dịch thứ 4 với biến chủng delta khiến số mắc và số tử vong tăng nhiều, tỉ lệ tử vong tại Việt Nam hiện là 2,4%"
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 giảm dần, có những ngày số mắc giảm mạnh xuống hơn 4.000 ca so với những ngày trước đó. Cụ thể ở thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, số mắc thường lên đến hơn chục nghìn ca mỗi ngày. Cùng đó, bệnh nhân khỏi gia tăng, có những ngày liên tiếp số khỏi nhiều gấp 4-6 lần số mắc.
Số tử vong đã và đang giảm hàng ngày, đặc biệt những ngày gần đây, số tử vong giảm mạnh, đáng chú ý là tại TP HCM (ngày 6/10 giảm xuống còn 88 ca), tại Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp cũng giảm mạnh...
Nhiều biện pháp quyết liệt trong chống dịch
Để đạt được những kết quả chống dịch này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay đó là việc lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn;
Cùng đó Bộ Y tế đã thành lập bộ phận công tác thường trực đặc biệt hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch;
Các đoàn công tác của Bộ Y tế, trong đó đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhiều lần trực tiếp vào TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang... để chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đưa ra các quyết sách, chiến lược, giải pháp kiểm soát tử vong...
"Chúng tôi cho rằng có 5 biện pháp trụ cột"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói:
Thứ nhất, là triển khai cách ly F1 tại nhà;
Thứ hai, trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, số người bệnh COVID-19 trở nặng cần nhập viện điều trị kịp thời, các cơ sở y tế địa phương lúng túng trong việc tiếp nhận bệnh để xử trí đúng khả năng, chuyên môn, phân tuyến, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3992/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 về việc phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 trên địa bàn TP HCM.
Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Phân loại nguy cơ người bệnh COVID-19 theo quyết định số 3646/QĐ-BYT ban hành ngày 31/07/2021 về riêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.
"Điều này đã tác động đáng kể đến việc giảm thiểu tử vong do phân loại đối tượng nguy cơ cao, rất cao ra để theo dõi liên tục, theo dõi diễn tiến người bệnh trở nặng hoặc cần nhập viện kịp thời.
Giúp các bệnh viện bớt lúng túng trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, khoa điều trị COVID-19 luôn trong tình trạng quá tải"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.
Thứ ba, thực hiện cách ly, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà tại khu vực dịch nóng góp phần giảm tải áp lực cho các bệnh viện với chiến lược đưa y tế đến gần dân nhất là 3 túi thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng đông, kháng viêm để bệnh nhân kịp thời sử dụng sớm nhất, xét nghiệm, tiêm chủng, oxy, trạm y tế lưu động để kịp thời đưa người bệnh trở nặng vào điều trị tại cơ sở y tế...;
Thứ tư, thành lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19; trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế, đưa thuốc điều trị COVID-19, kháng đông, kháng viêm vào điều trị sớm...
Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương đã điều động gần 20.000 chuyên gia, các y bác sĩ, sinh viên y khoa đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An các tỉnh Tây Nam Bộ hỗ trợ chống dịch.
"Có thể nói đợt dịch thứ 4 với chủng mới Delta gây hậu quả rất nghiêm trọng cho hệ thống khám, chữa bệnh, người bệnh và nhân viên y tế, tuy nhiên chúng ta đang từng bước khống chế được dịch bệnh, giảm tử vong"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.