Vì sao số ca tay - chân - miệng ở Hải Phòng vẫn ở mức cao?

05-03-2012 14:18 | Tin nóng y tế
google news

Ngay từ đầu năm 2012, khi bệnh tay - chân - miệng ở các địa phương đang lắng xuống thì tại Hải Phòng, bệnh tay - chân - miệng lại bắt đầu “nóng”. Từ đó đến nay, Hải Phòng vẫn là một trong số ít các tỉnh phía Bắc xảy ra bệnh tay - chân - miệng dai dẳng.

 Ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng
Ngay từ đầu năm 2012, khi bệnh tay - chân - miệng ở các địa phương đang lắng xuống thì tại Hải Phòng, bệnh tay - chân - miệng lại bắt đầu “nóng”. Từ đó đến nay, Hải Phòng vẫn là một trong số ít các tỉnh phía Bắc xảy ra bệnh tay - chân - miệng dai dẳng. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng ở Hải Phòng, phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng.

PV: Thưa ông, ở các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng được coi là địa phương có số bệnh nhân mắc tay - chân - miệng vẫn đứng ở mức cao, vì sao lại như vậy?

Ông Phan Trọng Khánh: Ngành y tế Hải Phòng đã ghi nhận ca mắc tay - chân - miệng từ ngày 1/1/2012. Tính đến ngày 29/2, chúng tôi đã ghi nhận 1.331 ca nghi mắc tay - chân - miệng ở 14/15 quận, huyện của thành phố. Trong đó, đa số là trẻ dưới 5 tuổi, lớn nhất có trẻ 13 tuổi. Chúng tôi đã điều tra lấy 17 mẫu, có kết quả 3 trường hợp dương tỉnh với EV 71; 1 trường hợp dương tính với virut đường ruột và 1 âm tính. Phải nói thẳng rằng, khi bệnh tay - chân - miệng đang nóng bỏng ở miền Trung và các tỉnh phía Nam, y tế Hải Phòng đã quán triệt đến y tế cơ sở là cần phải hết sức cảnh giác. Chúng tôi đã lo tập huấn chuyên môn kỹ thuật giám sát, tăng cường công tác tuyên truyền ở trường học và đến tổ dân phố. Nhưng khi thời tiết ở miền Bắc chuyển sang mùa đông xuân, nóng ẩm, mưa nhiều và trời rét đó cũng là những điều kiện khách quan làm công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn có tâm lý chủ quan từ phía người dân trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân của trẻ, đồ chơi, vật dụng trong nhà...khiến số trẻ mắc tay - chân - miệng tại cộng đồng có thời điểm gia tăng đáng lo ngại...

PV: Trước thực tế như vậy, như ông vừa nói, số trẻ nghi mắc tay - chân - miệng ở Hải Phòng hiện đến hơn 1.000 trẻ, giải pháp cấp bách của Hải Phòng hiện đã, đang làm là gì?

Ông Phan Trọng Khánh: Hiện nay, hệ thống phòng chống dịch của chúng tôi vẫn đang hoạt động ráo riết, kể cả những ngày Tết cổ truyền vừa qua. Hệ thống khám chữa bệnh được yêu cầu chuẩn bị đủ số phòng cách ly, thuốc, dịch truyền, hóa chất không được thiếu... Và phải ghi nhận rằng, số ca mắc nghi tay - chân - miệng tuy có cao nhưng bệnh nhân đều được cứu chữa kịp thời, không có bệnh nhân tử vong mặc dù có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng! Chúng tôi thực hiện phân tuyến điều trị khoa học như dành toàn bộ Khoa Lây của BV Trẻ em, một số giường của Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị nội trú cho bệnh nhân từ độ 2a trở lên và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân độ 1. BV Kiến An, BV đa khoa quận, huyện điều trị cho trường hợp mắc độ 1, độ 2a. Chú trọng bố trí khu vực điều trị bệnh nhân theo quy định và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong bệnh viện. Kinh nghiệm của những ngày qua là sự chỉ đạo thống nhất từ Sở Y tế và phối hợp tốt giữa hệ điều trị với hệ y tế dự phòng trong việc xác định, thông báo và trao đổi thông tin về các ca bệnh để có hướng điều trị đúng, kịp thời đồng thời xử lý triệt để các ổ dịch.

PV: Hiện nay, việc đi lại thông thương giữa các vùng miền là dễ dàng và nhất là người lành mang trùng cao, vậy ông có thể đánh giá như thế nào về phòng chống tay - chân - miệng của Hải Phòng thời gian tới?

Ông Phan Trọng Khánh: Theo đánh giá của chúng tôi, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp và chưa thể nói trước được điều gì. Nhưng y tế Hải Phòng từ thành phố đến xã, phường luôn hết sức cảnh giác. Xây dựng ý thức cộng đồng huy động sự tham gia đầy đủ của các cấp chính quyền, đoàn thể với công tác phòng chống dịch. Thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế cơ sở, y tế dự phòng và các cơ sở điều trị trong thành phố. Chủ động giám sát phát hiện bệnh nhân, xử lý ổ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh.

PV: Cảm ơn ông!

Minh Huy (thực hiện)


Ý kiến của bạn