Hà Nội

Vì sao số ca mắc sốt xuất huyết ở Thừa Thiên Huế gia tăng?

02-05-2024 08:35 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày 2/5, Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận 196 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,6 lần so cùng kỳ năm 2023, người mắc ở độ tuổi từ 15 trở lên chiếm 76%. Đáng chú ý, riêng TP Huế ghi nhận 120 ca và có một ca tử vong.

Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết tăng do chu kỳ bùng phát dịch 5 năm/lần, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xem kẽ. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch chưa cao, đặc biệt công tác vệ sinh môi trường dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng.

Vì sao số ca mắc sốt xuất huyết ở Thừa Thiên Huế gia tăng?- Ảnh 1.

Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền triển khai chiến dịch thau vét bọ gậy, phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh TTYT

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới, hạn chế tối đa số ca mắc, số ca tử vong và không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp chống theo quy định, tăng cường tuyên truyền người dân.

Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và đơn vị trực thuộc thực hiện giám sát chặt chẽ việc điều tra, xác minh ca bệnh, xử lý triệt để ổ dịch tại địa phương cũng như thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm

"Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường khám phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và phối hợp với đơn vị liên quan để điều tra, giám sát, xử lý triệt để. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thuốc, trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân", lãnh đạo Sở Y tế nói.

Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, hiện đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp. Cố ca mắc sẽ có xu hướng gia tăng từ tháng 5-11 nên việc chủ động phòng, chống cũng như nhận thức người dân là một trong những biện pháp quan trọng.

Sở Y tế khuyến cáo, người dân tổ chức vệ sinh môi trường, thau vét bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng, thu gom các vật phế thải, ngủ màn để tránh muỗi đốt. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt cao, nhức đầu, xuất huyết cần đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh, không tự điều trị tại nhà.

"Bệnh sốt xuất huyết lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nguy cơ tử vong, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời", lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh.

Ngành Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, một số dịch bệnh truyền nhiễm có dự phòng bằng vaccine có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu và một số bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại. Do đó, đơn vị liên quan cần giám sát, phát hiện, xử lý và truyền thông nâng cao ý thức đối với người dân.

Bộ Y tế: Không để thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi...Bộ Y tế: Không để thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi...

SKĐS - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra khan hiếm, thiếu thuốc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Cùng đó, đảm bảo đủ thuốc phòng chống dịch bệnh và thuốc điều trị các bệnh sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lý giải nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn