Các tỉnh không lo thiếu lao động sau Tết
Hà Nội: Gần 98% số công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Liên đoàn Lao động thành phố đã thành lập 6 đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính và nắm tình hình công nhân, viên chức, lao động sau Tết tại một số công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trên địa bàn thành phố.
Qua nắm bắt tình hình, tư tưởng công nhân lao động trên địa bàn thành phố trong những ngày đón xuân mới tương đối ổn định, vui mừng phấn khởi. Theo ghi nhận của LĐLĐ TP.Hà Nội, tính đến ngày 30.1.2023 (tức 9 Tết) đã có hơn 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với trên 97,8% số CNLĐ trở lại làm việc. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra vụ đình công, ngừng việc tập thể nào.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ 1.190 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động với hơn 307.000 lao động (99,6%) đi làm. Lượng nhỏ công nhân quay lại muộn do quá tải tàu xe, chờ chuyển sang nơi có mức lương, phúc lợi tốt hơn hoặc bận việc gia đình. Các công ty ngoài khu công nghiệp ghi nhận hơn 107.600 lao động trở lại sau Tết, đạt 99,5%.
Tỉnh Bắc Giang năm nay cũng ít ghi nhận biến động về lao động trước và sau Tết so với đầu năm 2022 - thời điểm thiếu hụt công nhân nặng nề sau đại dịch. Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà, nhiều doanh nghiệp, nhất là khối ngành điện tử mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng. Từ nay đến hết tháng 3, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển khoảng 17.000 lao động. Nguồn công nhân tại chỗ và từ các tỉnh lân cận đổ về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của địa phương.
Thái Nguyên có hơn 8.700 doanh nghiệp hoạt động với hơn 230.000 lao động. Gần 95% công nhân đã đi làm lại, tính hết mùng 6 Tết. Tỉnh vẫn ghi nhận một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động quay lại thấp do muốn chuyển việc, hoặc chưa thích ứng với cường độ làm việc cao.
Theo thống kê từ các cấp công đoàn tỉnh An Giang, đến mùng 9 Tết, toàn tỉnh có 165 doanh nghiệp với trên 55.000 lao động trở lại sau kỳ nghỉ, chiếm trên 94% tổng số lao động toàn tỉnh làm việc trước Tết. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, tình hình lao động, việc làm trước, trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh An Giang đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm, các cấp Công đoàn đã kịp thời giám sát tiền lương, thưởng, thời gian thanh toán lương cho người lao động, nhờ đó sau Tết người lao động đã an tâm trở lại làm việc ổn định.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào ngày đầu năm tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và sẽ không có biến động lớn về lao động. Cụ thể, tính đến ngày 30/1, số doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 86%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 83,5%. Số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 88%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 89%.
Tình hình lao động diễn ra tương tự tại tỉnh Long An và Đồng Nai. Tại Đồng Nai, tính đến ngày 30/1 đã có khoảng 80% doanh nghiệp trở lại hoạt động và số lao động quay trở lại làm việc tương đối ổn định. Số lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ rất cao (85-97%), chỉ có một số ít vắng mặt vì quê xa, nghỉ phép… Số lao động vắng mặt không có lý do chỉ chiếm khoảng 1%.
Tại TP.HCM, vào ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão, mùng 6 Tết, tỷ lệ lao động quay lại doanh nghiệp đạt 95%. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, cuối năm ngoái tình hình sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp nên người lao động có suy nghĩ thay đổi hơn các năm trước. Tình trạng đổi việc, nhảy việc sau Tết không còn là xu hướng, công nhân mong muốn có việc làm ổn định.
Ngoài ra, nhiều lao động ở lại thành phố dịp Tết, doanh nghiệp có được đơn hàng ngay trước Tết nên tình hình tích cực hơn. Các nhà máy khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt của doanh nghiệp đã giúp người lao động gắn bó hơn. Dự báo, với những công ty hoạt động vào ngày 30/1 hoặc muộn hơn, tình hình lao động cũng ổn định, tỷ lệ quay lại làm việc đạt mức cao.
Năm 2023, thị trường lao động chuyển biến tích cực
Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự báo, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động theo hướng tích cực, tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Năm 2023, cụ thể là quý 1, quý 2 năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự báo một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người (cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.