Sau những khó khăn trong cạnh tranh, Metro đã phải bán mình, dừng cuộc chơi, chấm dứt tham vọng trở thành một đại gia bán lẻ trên thị trường Việt Nam.
'Một mình một chợ'
Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Mô hình bán sỉ hiện đại ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ có mỗi Metro. Theo đó, Metro tập trung chủ yếu vào các đối tượng khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, căng tin, cũng như các cửa hàng bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ, các công ty về dịch vụ và văn phòng.
Kế hoạch ban đầu, tập đoàn này dự định mở 8 trung tâm phân phối tại Việt Nam. Nhưng sau 12 năm góp mặt, Metro đã có 19 trung tâm trên toàn quốc. Ngoài ra, Metro còn có 2 trung tâm trung chuyển, phân phối rau quả đặt tại Lâm Đồng và cá tươi tại Cần Thơ. Việt Nam xếp thứ 11 trên 32 nước mà Metro đang có mặt.
Vào Việt Nam với vị thế là nhà bán sỉ lớn nhất giai đoạn đó, người mua hàng sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một siêu thị bán sỉ quy mô lớn, hàng hóa dồi dào, bày trí hiện đại.
Với một thị trường còn sơ khai, người tiêu dùng chuộng giá thấp, sự xuất hiện của các thương hiệu cao cấp vẫn còn ít như ở Việt Nam, rõ ràng trong cuộc chơi này, Metro chứng tỏ mình rất am tường và nhanh nhạy đổi mới để dẫn dắt thị trường chứ không đợi “đối thủ” ra tay rồi mới đối phó.
Chính vì bán sỉ nên không phải người tiêu dùng nào cũng có thể bước chân vào được. Để được mua hàng tại Metro, người tiêu dùng bắt buộc phải có thẻ thành viên, phải có giấy phép kinh doanh mới được chấp nhận làm thẻ này. Bên cạnh đó, các sản phẩm đều phải mua số lượng nhiều.
Hoạt động ở Việt Nam dưới hình thức bán sỉ, nhưng nhiều cơ sở Metro Cash & Carry lại nằm rất gần trung tâm các thành phố lớn như ở Đà Nẵng, Buôn Mê Thuật. Nhờ vậy, tập đoàn này cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ có giá bán cao hơn.
Hoành tráng là thế nhưng từ khi có mặt tại Việt Nam, Metro Cash & Carry Việt Nam đều báo lỗ (chỉ duy nhất năm 2010 có lãi) bất chấp doanh số của doanh nghiệp này vẫn luôn tăng trưởng.
Năm 2011, doanh số của Metro Cash & Carry Việt Nam đạt 466 triệu euro (12,5 ngàn tỷ đồng) tăng 50 triệu euro (1.350 tỷ đồng) so với năm 2010. Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 công ty này còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu đôla.
Lý do khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài là do phải tập trung mở rộng đầu tư. Phía Metro giải thích rằng, chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, tương đương 300-400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lý do chính của sự thất bại có lẽ nằm ở sức cạnh tranh và chiến lược của Metro. Thực tế, giá sản phẩm của Metro không rẻ hơn nhiều so với các siêu thị, cửa hàng bên ngoài, chính vì thế mà sức hấp dẫn Metro không còn nhiều.
Thậm chí, đã có nhiều thông tin và tố cáo của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa, cho rằng Metro đang “lách luật” để có thể bán lẻ. Thời gian gần đây, người tiêu dùng dễ ràng nhận ra rằng, Metro đã âm thầm thay đổi sang mô hình bán lẻ. Hầu hết các mặt hàng đều sắp xếp cho bán lẻ, ra vào, thanh toán hóa đơn cũng không cần thẻ hội viên.
Trong khi đó, bán sỉ vốn là "lãnh địa" riêng của Metro từ hơn chục năm nay thì nay có thêm Co.opXtra Plus, đơn vị liên doanh của hợp tác xã hàng đầu Việt Nam và Singapore là Saigon Co.op và NTUC FairPrice. Co.opXtra Plus công bố sẽ có khoảng 50.000 mặt hàng được bán tại đây.
Chết kẹt trong tham vọng dài hơi
Sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Big C, Lotte, Parkson ngày càng tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong hệ thống phân phối Việt Nam, đã tới lúc Metro phải tính lại chiến lược của mình.
Metro Cash & Carry Việt Nam chính thức ký kết với Tập đoàn Berli Jcuker (BJC) của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont, chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ (bán buôn) tại Việt Nam.
Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu đôla). Thương vụ sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý và hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
Đại gia Thái Lan đã mua lại Metro Việt Nam.
|
Những thông tin chính thức về việc Metro muốn tìm đối tác bán lại chuỗi siêu thị bán buôn của mình tại Việt Nam đã râm ran từ đầu năm. Trên thực tế, hệ thống 19 siêu thị trải khắp cả nước, với tổng cộng hơn 5.000 nhân viên này đã lọt vào tầm ngắm của tập đoàn nông sản khổng lồ Charoen Pokphand Group (C.P Group), mà đứng sau là tỷ phú Dhanin Chearavanont, giàu nhất Thái Lan từ lâu.
Vị tỷ phú này rậm rịch hỏi mua Metro từ Metro “mẹ” ở Đức với giá 500 triệu đôla nhưng đại gia bán lẻ Đức từ chối lời đề nghị béo bở này. Có lẽ tại thời điểm đó, Metro “mẹ” vẫn chưa muốn bỏ thị trường Việt Nam.
Đầu tháng 8 này, Wall Street Journal cho biết, Metro Group đã đạt những bước tiến mới trong việc đàm phán với Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker để bán chuỗi đại siêu thị Cash & Carry Việt Nam. Thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh Metro đang tìm cách tiết giảm hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của công ty và cải thiện lợi nhuận.
Đối với Metro, việc bán lại cho nhà đầu tư Thái Lan sẽ giúp đơn vị này thu về hàng triệu euro lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Theo đánh giá của một nhà phân tích, với doanh thu ở Việt Nam thấp hơn so với các khu vực khác, điều này cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường kém phát triển nhất của Metro.
Trong tương lai, khu vực bán lẻ của Việt Nam hiện cũng đang dần hội nhập và tự do hóa, Metro sẽ phải đối mặt với những sự cạnh tranh ngược và cơ hội tăng trưởng chậm lại. Nhìn lại chặng đường 12 năm Metro ở Việt Nam đã đã mở ra cho các doanh nghiệp nội địa không ít bài học quý báu trong kinh doanh.