Hà Nội

Vì sao sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở vùng núi phía Bắc?

06-08-2024 12:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Chỉ trong hơn 1 tuần, hàng loạt vụ sạt lở liên tiếp khiến hàng chục người tử vong ở miền núi phía Bắc. Người dân ở các khu vực có mưa lớn liên tiếp nhiều ngày cần cảnh giác cao độ khả năng sạt lở.

Miền núi phía Bắc tiếp tục mưa rất to, nguy cơ cao lũ quét và sạt lởMiền núi phía Bắc tiếp tục mưa rất to, nguy cơ cao lũ quét và sạt lở

SKĐS - Ngày và đêm 6/8, ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40 mm, cục bộ có nơi trên 90 mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng

Sáng ngày 4/8, một vụ sạt lở đất đã vùi lấp hai vợ chồng khiến họ tử vong ở xã Tân Thành, Cao Lộc, Lạng Sơn. Ngày 5/8, gia đình anh M.A.S. (xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đang ngủ say thì bất ngờ đất đá từ trên cao sạt xuống vùi lấp nhà. Vụ sạt lở đất đá khiến con gái anh S. là cháu M.T.T.M. (6 tháng tuổi) tử vong tại chỗ, anh S. và vợ bị thương được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay sau đó.

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 28/7 đến ngày 5/8, mưa lũ, sạt lở đất đã khiến 16 người tử vong trong đó riêng ngày 4-5/8 có 5 người tử vong do sạt lở. 

Vì sao sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở vùng núi phía Bắc?- Ảnh 2.

Sạt lở đất liên tiếp ở các tỉnh miền núi phía Bắc khiến nhiều người thương vong.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại 2.000 tỉ đồng. Riêng tháng 7 vừa qua, mưa lũ, sạt lở đất đã làm hơn 40 người chết và mất tích. Điển hình là vụ sạt lở đất trên quốc lộ 34 làm 11 người chết. Mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất ở Sơn La, Điện Biên những ngày cuối tháng 7 làm 20 chết và mất tích. Mưa lớn cũng gây ra ngập lụt ở đô thị và một số khu dân cư ở Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn...

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.

Sạt lở bao gồm 5 dạng dịch chuyển theo độ dốc: sụt lún, lật, trượt, lan rộng và chảy. Địa chất, hình thái và hoạt động của con người được cho là 3 nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất. Địa chất đề cập đến các đặc tính của vật chất. Đất hoặc đá có thể yếu hoặc nứt nẻ, hoặc các địa tầng khác nhau có thể có độ cứng và độ bền khác nhau. Hình thái nói đến cấu trúc của đất. Thí dụ, các sườn dốc bị mất thảm thực vật do cháy hoặc hạn hán sẽ dễ bị sạt lở hơn. Thảm thực vật giữ cho đất không bị xô lệch; và nếu không có hệ thống rễ cây, bụi rậm và các loại thực vật khác, đất có nhiều khả năng bị trượt đi.

Các hoạt động của con người như nông nghiệp và xây dựng có thể làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Tưới tiêu, phá rừng, đào xới và rò rỉ nước là một số hoạt động phổ biến có thể gây mất ổn định hoặc làm suy yếu độ dốc của đất.

Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nguyên nhân gây sạt lở đất đá ở khu vực trên chủ yếu do mưa lớn. Các yếu tố như độ dốc lớn, phá rừng, sử dụng đất cũng như điều kiện địa chất góp phần làm cho các khu vực dễ bị sạt lở đất. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản, xây dựng đường sá và cắt dốc không đúng cách cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ sạt lở đất.

Cũng do đặc điểm địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu gió mùa với cường độ mưa lớn trong mùa mưa, sạt lở đất đá ở khu vực miền núi là một trong những thiên tai thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La rất dễ xảy ra sạt lở đất đá do địa hình hiểm trở và mưa lớn. Các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất do có độ dốc lớn và mưa lớn.

Những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát (không phải tầng đá nguyên sinh). Dưới tác dụng của trọng lực thì những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Đây cũng chính là nguồn gốc của những sự trượt lở hay lũ được hình thành.

Cần có bản đồ cảnh báo thiên tai cho từng vùng miền

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sạt lở đất liên quan đến cường độ mưa, dòng chảy, thảm thực vật… với tác động của con người. Chẳng hạn, việc xây dựng những công trình lớn như thủy điện trên lưu vực các con sông ở miền Trung dù muốn hay không cũng đã gây ảnh hưởng tới rừng, tới thảm thực vật, làm mất khả năng giữ nước. Vì vậy, khi triển khai dự án ở thượng nguồn, cần phải tính toán một cách tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm nhẹ thiên tai.

Chuyên gia đề xuất giải pháp xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Nhà chức trách cũng cần xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư. 

Một giải pháp khác là thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.

Ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng để ứng phó lũ quét, sạt lở đất, giảm nhẹ rủi ro thiệt hại cần điều tra, khảo sát, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá. Hiện nay mới có bản đồ cảnh báo sạt ở tỷ lệ 1/50.0000 - đây chỉ là các cảnh báo cấp vĩ mô phục vụ phát triển quy mô vùng.

Ở mức độ chi tiết, để quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư cần có bản đồ cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, trượt lở đất làm cơ sở lựa chọn địa điểm khu đất xây dựng. Các đồ án quy hoạch cần xây dựng các bản đồ nguy cơ lũ quét, trượt lở đất tỷ lệ chi tiết từ 1/10.000 đến 1/5000.

Việc nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá phụ thuộc nhiều vào cơ sở dữ liệu của công tác điều tra, phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá toàn quốc ở các tỷ lệ. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ. Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.

Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung; do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu. 

Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỷ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít, hầu như chỉ có ở những khu vực điều tra, đánh giá các mỏ khoáng sản.

Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó nguy cơ bão mạnh, lũ lụt, sạt lở đấtThủ tướng chỉ đạo ứng phó nguy cơ bão mạnh, lũ lụt, sạt lở đất

SKĐS - Ngày 4/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 75/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù, lau nước mắt vì ‘hối hận muộn màng’ | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn