Vì sao sân khấu chưa có tác phẩm xuất sắc?

28-12-2013 20:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chúng ta phấn đấu có tác phẩm giá trị cao nhiều khi không nên chỉ mong tạo đỉnh mà phải lo phần nền.

Chúng ta phấn đấu có tác phẩm giá trị cao nhiều khi không nên chỉ mong tạo đỉnh mà phải lo phần nền. Đỉnh Phan Xi Păng là “nóc nhà” nước ta là bởi đứng trên dãy Hoàng Liên Sơn mà dãy Hoàng Liên Sơn cũng đứng trên địa hình cao so với mặt biển chứ bê cả Hoàng Liên Sơn ra giữa đại dương thì Phan Xi Păng chắc cũng không cao hơn Đá Lát, Đá Tây ở Trường Sa!

Sân khấu (SK) chưa có một “nền” tốt để tạo đỉnh là vì những lý do sau:

Sân khấu trong cơ chế thị trường

Tác phẩm SK cũng là một loại hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt với giá trị tinh thần thật khó đong đếm. Thế nhưng cơ chế thị trường lại rất rành rẽ trong việc đong đếm cụ thể cái lợi, mình được gì, nhà hát được gì xét theo góc độ kinh tế. Từ mâu thuẫn giữa giá trị tinh thần và giá trị kinh tế qua hoạt động SK sẽ tất yếu dẫn đến việc vở diễn làm sao phải ăn khách, đông người xem với tiêu chí thắng lợi về kinh tế. Những vở diễn hướng tới mục tiêu kinh tế không có tội, thậm chí nể phục bởi có những vở đông khách nhưng có giá trị và có loại khán giả chỉ cần giải trí thì sẽ có tác phẩm giải trí là bình thường. Vấn đề hiện nay là SK cần điều chỉnh, cân đối kịch mục lại là điều cần bàn và trước hết thuộc về các nhà quản lý SK từ cấp phụ trách đơn vị nghệ thuật trở lên.


	Vở Vương nữ Mê Linh - HCV Liên hoan chèo 2013.

Vở Vương nữ Mê Linh - HCV Liên hoan chèo 2013.

Một nền SK chỉ có những vở diễn với tiêu chí giải trí, câu khách là một nền SK thực dụng, lệch lạc làm sao có thể có những tác phẩm “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”. Khi tính thực dụng của kinh tế thị trường tồn tại trong hoạt động SK sẽ bắt các tác giả muốn sản phẩm được dàn dựng vô tình cũng phải thực dụng, phù hợp với những nhu cầu của nơi bao tiêu sản phẩm. Vì kinh tế, các đạo diễn nay thường chỉ dựng trong 2 - 3 tuần. Vở dựng nhanh đến chóng mặt và diễn viên không cần thuộc lời, chỉ cần nhớ ý và “phiêu” theo ý mình, làm sao còn tính văn học.

Tính thực dụng trong kinh tế thị trường khiến đạo đức xã hội xuống cấp với lối nghĩ “Làm cái này mình được gì” đã thành phổ biến và SK cũng không thoát khỏi quy luật này. Khi được bao cấp, công diễn vở xong để đấy mà không sao thì người có trách nhiệm chọn kịch bản sẽ chọn vở “mình sẽ được gì” là tiêu chí đầu tiên như được quan hệ, được lợi. Liệu có thể có tác phẩm sân khấu “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” không trong cái nền thực dụng như hiện nay.

15 năm qua, dù rằng Đảng và Nhà nước rất quan tâm với việc đầu tư lớn qua các hoạt động tổ chức sáng tác, hội diễn, xét thưởng để động viên, khuyến khích..., SK chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khủng khoảng thưa vắng khán giả ở phía Bắc và thiếu những tác phẩm sân khấu “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” trên cả nước. Muốn có, tiền không giải quyết được vì có đầu tư hay treo giải tiền tỷ có khi lại rắc rối hơn như bên điện ảnh được đầu tư làm phim kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, ngoài kiện tụng, mất đoàn kết, chả thấy tác phẩm nào xứng đáng ra đời trong dịp này. Sự thành công của bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống phải là kết quả của một quá trình. Tác phẩm “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” chỉ xuất hiện trên nền tảng và phấn đấu vì giá trị tinh thần, mục đích nghệ thuật chứ không thể có đột biến trên mục tiêu kinh tế là chính với cách nghĩ thực dụng.

Vở diễn SK cũng là hàng hóa và hàng hóa thì phải quảng bá nhưng đầu tư cho vở diễn chỉ dừng ở mức chi trả sáng tạo mà không có đầu tư quảng bá theo đúng cơ chế thị trường. Muốn giới thiệu trên đài truyền hình cho dân biết để tìm đến thì giá quảng cáo cao ngất ngưởng và buồn thay, nếu có quảng cáo thì công trình nghệ thuật lại đứng cùng dầu gội đầu, thuốc “một người khỏe hai người vui”!

Không ai chê kinh tế thị trường và muốn quay lại thời bao cấp nhưng SK hôm nay bị vênh với kinh tế thị trường, lẫn lộn giữa thị trường và bao cấp nên vẫn còn lắm mối ngổn ngang.

Những tiêu chí giá trị trong xã hội chưa định hình

Tác phẩm SK “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” trước hết nằm ở tính phát hiện. Tính phát hiện trong SK khác với báo chí khi báo chí phát hiện vụ việc cụ thể còn SK phát hiện những vấn đề trong cuộc sống có tính khái quát. Báo chí nói vụ án oan 10 năm của ông Chấn thì ai cũng biết là do 7 anh công an Bắc Giang làm sai nhưng đưa lên SK thì đấy lại là hình ảnh công an, hình ảnh hệ thống pháp luật cả nước.

Một sự trớ trêu hiện nay là SK với đặc trưng riêng của mình vốn chọc thẳng vào những mâu thuẫn xã hội, nhưng chính những mâu thuẫn lớn trong xã hội lại được coi là “nhạy cảm” trở thành một “vùng cấm” bất thành văn. Ví dụ như tham nhũng hiện nay đang là quốc nạn và nhân vật tích cực trong kịch đứng trước quốc nạn như hối lộ chẳng hạn sẽ xử lý ra sao. Hay chuyện nhóm lợi ích, thu hồi đất hiện nay đang bức xúc trong dân khó có thể đi sâu khi mà Luật Đất đai còn đang tranh cãi trên nghị trường Quốc hội. Hay gần đây nhất là số phận của đồng bào miền Trung bị lũ lụt nặng hơn cơn lũ lịch sử trước đây mặc dù lượng mưa ít hơn và liệu có thể chỉ ra nguyên nhân xả lũ và lên án chính sách thủy điện hàng loạt với người cấp cho phép xây dựng.

Khi tiêu chí giá trị trong đời sống chưa ổn định sẽ là một trở ngại trong sáng tác. Đối với nhà quản lý, tác giả đi sâu quá vào những mâu thuẫn, xung đột trong xã hội nhiều khi bị quy chụp thành ra cứ lùi lại với những tác phẩm hài, ma quỷ hoặc minh họa chuyện hấp dẫn trên báo hoặc khái niệm chung chung cho... “lành”! Và chuyện phấn đấu có tác phẩm “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” liệu có phải đợi đến lúc tiêu chí giá trị trong đời sống ổn định?

Từ góc độ một nhà viết kịch, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Cơ quan quản lý có trách nhiệm điều tiết kịch mục

Chuyện dàn dựng những vở diễn mang mục đích kinh tế cũng cần nếu không có vi phạm bởi đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khán giả cũng như cải thiện được thu nhập quá khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ hiện nay. Thế nhưng cơ quan quản lý  phải lo điều tiết kịch mục như một chiến lược phát triển SK. Ở phía Nam thường là SK tư nhân không được bao cấp nên họ phải lo đến kinh tế để tồn tại nhưng không phải không có khát khao có tác phẩm “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”. Nghệ thuật phục vụ dân, thành công là của đất nước, vậy sao không thể có những vở diễn được Nhà nước đầu tư hoặc đặt hàng.

Ở phía Bắc, được bao cấp thì phải phấn đấu vở “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” vì tiền dân bỏ ra để làm kế hoạch 3 thì quả là vô lý. Nhà nước xét duyệt kịch bản, nhà hát xin đầu tư. Công trình hoàn thành, nếu không có tính khả thi, bị khán giả quay lưng thì nơi nhận đầu tư chịu trách nhiệm.

SK cũng như các công trình an sinh xã hội khác cần được đầu tư nhưng đầu tư có trọng điểm, tránh việc đầu tư theo kiểu “phong trào”, “mặt trận”.

Vấn đề quảng bá sân khấu

Công chúng hiện nay có rất ít thông tin về hoạt động SK, nhất là ở phía Bắc. Hôm nay, ở Hà Nội, muốn đi xem kịch cũng không biết ở đâu diễn, vở gì, của ai. Thể thao được thông tin ngay sau chương trình thời sự trên truyền hình rồi còn hẳn chương trình 360 độ thể thao, văn học có chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” trong khi SK chỉ cần vài phút “đi đâu, xem gì” như xưa từng làm cũng là một mơ ước. Các báo hàng ngày thiết nghĩ cũng nên có mục “đi đâu, xem gì” để đáp ứng nhu cầu thông tin thưởng thức VHNT trong dân.

Khuyến khích tìm tòi, phát hiện trong sáng tạo

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, để có thành tựu lớn phải trải qua rất nhiều công đoạn thí nghiệm, kể cả thất bại và SK cũng cần được thí nghiệm để vượt qua những lối mòn. Thế nhưng thất bại ở SK rất dễ bị quy chụp, hiểu lầm. Thực tế, càng cấp cao, cách nhìn càng thoáng nhưng càng cấp thấp càng tỏ ra “cảnh giác” , “lập trường”, “quan điểm” mà tác phẩm phải qua cửa thấp trước có khi chết ngay từ hàng rào đầu tiên. Tác phẩm “có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” thường có tính đột phá nhưng tác giả trước khi sáng tác đã tự kiểm duyệt mình, tự rào quanh mình những lý do “nhạy cảm” thì làm sao bay bổng sáng tạo được.

Đã đến lúc những khái niệm như vấn đề “nhạy cảm”, “tế nhị” cần được làm rõ,  không mơ hồ để nghệ sĩ được thỏa sức tìm tòi, sáng tạo những vấn đề trong đời sống mà luật không cấm.    

Lê Quý Hiền

 


Ý kiến của bạn