Đâu là lý do để loại hình nghệ thuật truyền thống này có được thành quả như vậy?
Hiện nay ở nước ta tồn tại 2 loại hình múa rối, đó là rối nước truyền thống và rối cạn. Mặc dù chịu sức ép của nhiều loại hình văn hóa giải trí nhưng múa rối Việt vẫn đứng vững. Thực tế cho thấy, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long là “cánh chim đầu đàn” của rối nước nhà, vì 2 đơn vị này đỏ đèn quanh năm phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Nhiều tiết mục, vở rối của 2 nhà hát nêu trên khi tham gia các Liên hoan Múa rối quốc tế đều “ẵm” giải thưởng cao, qua đó cho thấy nghệ thuật truyền thống nói chung, rối Việt nói riêng chưa bao giờ bị “đánh bật” dù văn hóa nghe nhìn hiện nay phát triển như vũ bão.
Là người gắn bó với múa rối nước nhà, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao đánh giá, múa rối Việt Nam hiện nay không còn lạ đối với người xem trong nước và quốc tế, nhưng có đổi mới. Thay vì diễn các tích trò, rối Việt từ lâu đã tiến lên bậc cao hơn khi dàn dựng thành những vở diễn có câu chuyện trên sân khấu. Đây là sự cố gắng, sáng tạo của các nghệ sĩ làm nghề và nó tạo ra những hiệu ứng tích cực cho rối Việt. Sự đổi mới trong cách làm đã cho ra đời nhiều vở rối chất lượng và đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả. Mới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã ra mắt khán giả vở diễn Mơ Rồng (kịch bản và đạo diễn Lê Quý Dương) và tác phẩm này sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội 2019 sắp tới.
Tạo hình chú Tễu và Rồng Bay trong vở rối Mơ Rồng vừa ra mắt khán giả.
Mơ Rồng được đánh giá cao vì nội dung kể lại giấc mơ của một nghệ sĩ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình. Ở đó là câu chuyện của Tễu và Rồng trên hành trình vòng quanh trái đất với những đồng cảm, chia sẻ và tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính thời sự của ngày hôm nay: biến đổi khí hậu, trẻ em bị bắt cóc, rác thải công nghệ, bệnh tật đói nghèo... Trong vở rối này, kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước được kết hợp với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại. Âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại được kết hợp với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam khiến vở rối Mơ Rồng thoát khỏi sự cũ kỹ mà nhiều khán giả đã bắt gặp ở rối Việt trước đây. Nhiều ý kiến đánh giá, Mơ Rồng là vở diễn rối thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả của nghệ thuật múa rối nước truyền thống.
Trong khi đó, tháng 7/2019, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã “trình làng” vở rối Thân phận nàng Kiều (tác giả - NSƯT Lê Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu; chuyển thể kịch bản và đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng). Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đưa Truyện Kiều và hình tượng nàng Kiều lên sân khấu múa rối để khán giả tiếp nhận được hồn cốt của tác phẩm, hình tượng nhân vật có thể nói các nghệ sĩ có sự tinh tế, đồng thời phải xử lý khôn khéo từ kịch bản đến tạo hình sân khấu và nhân vật. Vì thế, mọi tình tiết, cảnh trí trong Thân phận nàng Kiều được ê-kíp xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, bằng không gian - ánh sáng trừu tượng đặc sắc, mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại tạo nên sự cuốn hút đối với khán giả.
Bên cạnh đó, các em nhỏ nước ta đã được thưởng thức vở múa rối Đi phượt cùng bà lão đánh cá do NSND Nguyễn Tiến Dũng. Từ câu chuyện cổ tích đã rất quen thuộc với thiếu nhi là Ông lão đánh cá và con cá vàng, vở rối được dàn dựng với nhiều tình tiết mới lạ, hư cấu để khán giả có thể thấy nội dung vừa quen, vừa lạ trong câu chuyện. Cuối cùng, Đi phượt cùng bà lão đánh cá mang đến thông điệp về tình yêu gia đình, thiên nhiên, sự gắn bó thủy chung giữa con người. Vở rối của NSND Nguyễn Tiến Dũng tạo dấu ấn bởi bên cạnh phần tạo hình con rối ngộ nghĩnh, sự hài hước dí dỏm của các nghệ sĩ khi vào vai bà lão, ông lão đánh cá, Đi phượt cùng bà lão đánh cá còn được đầu tư khá bài bản về âm thanh và ánh sáng. Với sự kết hợp nhiều yếu tố của sân khấu như hài kịch, ca múa nhạc và nhiều loại hình rối cạn... vở Đi phượt cùng bà lão đánh cá mang đến không gian giải trí vui nhộn, nhiều tiếng cười nhưng cũng đầy ắp tính giáo dục cho các em nhỏ.
Ngoài ra, các chương trình, vở rối như Hồn quê, Giấc mơ bí ẩn của Tễu và Kangaroo, Không gian trắng, Chuyện tình Dạ Trạch, Đồng vọng rối Việt, Vũ điệu hoa quỳnh… mà khán giả Việt được thưởng thức thời gian qua là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với sự sáng tạo từ vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng... Để có được thành công như vừa qua, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đội ngũ làm nghề phải luôn sáng tạo, đổi mới, lao động, luyện tập không ngừng để đáp ứng cho nghề nghiệp và cống hiến cho khán giả những vở diễn hấp dẫn nhất.