Lý do tăng cân, béo phì do rối loạn nội tiết
Nhiều phụ nữ tiền mãn kinh tăng cân dù ăn uống, sinh hoạt, tập luyện điều độ. Đừng vội đổ lỗi do ăn nhiều, thủ phạm có thể là rối loạn nội tiết tố.
Thực tế, nội tiết tố điều chỉnh toàn bộ quá trình trao đổi chất, tích trữ mỡ, cảm giác đói – no và mức tiêu hao năng lượng. Khi bị rối loạn, các hormone sau đây có thể là "tác nhân gây béo" thầm lặng:
- Estrogen mất cân bằng
Thiếu estrogen (thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh): làm chậm quá trình chuyển hóa, tích mỡ vùng bụng, dễ tăng cân dù ăn ít.
Thừa estrogen (cường estrogen): khiến cơ thể giữ nước, tích trữ mỡ, đặc biệt ở hông và đùi. Chính vì vậy, thiếu hay thừa estrogen đều có thể gây tăng cân, béo phì.

khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh chế độ ăn gây tăng cân nhanh, giảm cân lại trở nên khó khăn hơn.
- Insulin tăng cao
Khi kháng insulin (thường gặp trong hội chứng buồng trứng đa nang – PCOS), cơ thể dễ tích trữ đường thành mỡ. Người bệnh thường cảm thấy đói, thèm đồ ngọt, mệt mỏi sau khi ăn, ăn nhiều nhưng không đốt được calo. Dấu hiệu nhận biết: bụng to, mỡ nội tạng, mệt mỏi sau ăn, thèm đồ ngọt thường xuyên.
- Cortisol (hormone stress) tăng cao
Cortisol giúp kiểm soát căng thẳng, hỗ trợ huyết áp và chống viêm. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài khiến nồng độ cortisol tăng, dẫn đến tích mỡ vùng bụng, rối loạn giấc ngủ, tăng cân dù ăn ít và tập luyện nhiều.
- Rối loạn tuyến giáp (suy giáp)
Suy giáp làm chậm trao đổi chất, khiến cơ thể đốt calo kém, dễ tích mỡ, tăng cân dù ăn uống bình thường. Việc giảm cân trong tình trạng này cũng rất khó khăn.
Cách tránh thừa cân, béo phì do rối loạn nội tiết
Khi nội tiết tố suy giảm, nhu cầu năng lượng của cơ thể cũng giảm theo, dễ dẫn đến tích tụ mỡ dưới dạng mỡ nội tạng.
Estrogen giúp duy trì khối cơ bắp, nhưng khi giảm (do mãn kinh), khối lượng cơ giảm, trong khi lượng mỡ tăng gây béo phì.
Trước mãn kinh, phụ nữ có thể ăn uống thoải mái mà vẫn kiểm soát được cân nặng. Nhưng khi bước vào giai đoạn này, chế độ ăn cũ có thể gây tăng cân nhanh, giảm cân lại trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi kiên trì và nỗ lực lâu dài.
- Tuổi càng cao, mỡ càng khó giảm. Vì vậy, phụ nữ mãn kinh nên:
- Giảm khẩu phần ăn, tăng cường rau xanh và thực phẩm ít béo.
- Giảm khoảng 200 calo mỗi ngày so với trước và duy trì đều đặn để cải thiện tích mỡ rõ rệt.
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn nhanh, phô mai, món chiên xào. Nên ưu tiên món luộc, hấp, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ít calo.
- Vận động thường xuyên – chìa khóa kiểm soát cân nặng.
- Tập thể dục đều đặn giúp tăng cơ, hỗ trợ trao đổi chất, giảm mỡ hiệu quả. Các hoạt động đơn giản như đi bộ 30 phút/ngày giúp đốt mỡ, tốt cho tim mạch, phòng ngừa tiểu đường và bảo vệ cột sống. Nếu có thời gian, hãy chọn bộ môn thể thao phù hợp: yoga, thiền, chống đẩy, kéo dây kháng lực, v.v.
Nếu việc thay đổi chế độ ăn và luyện tập gặp khó khăn, nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn lộ trình giảm cân hiệu quả và an toàn.
Khi nào nên khám chuyên khoa nội tiết?
Chị em tiền mãn kinh hoặc có dấu hiệu rối loạn nội tiết nên đến cơ sở y tế khi:
- Tăng hay giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, mụn, khô da.
- Cáu gắt, mất ngủ, stress kéo dài.
- Các dấu hiệu khác cần chú ý: Khát nước, uống nhiều; Đi tiểu nhiều, đặc biệt về đêm; Tăng hay sụt cân bất thường; Vết thương lâu lành; Táo bón kéo dài...cũng cần phải khám ngay.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn nội tiết có thể gây biến chứng nguy hiểm như: suy tim, tai biến mạch máu não, loãng xương, rối loạn mỡ máu, ảnh hưởng tâm thần và khả năng sinh sản.