Trong câu lạc bộ dưỡng sinh của chúng tôi có hiện tượng phụ nữ thường bị thoái hóa khớp gối sớm hơn nam giới cùng tuổi. Xin bác sĩ cho biết, tại sao lại như vậy?
Nguyễn Thị Thắm (Nam Định)
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở phụ nữ, xương bị thoái hóa dần dần từ độ tuổi 30 trở đi. Theo đó, mỗi năm lượng xương của phụ nữ giảm từ 0,25 - 1%. Cho đến thời kỳ mãn kinh, trong cơ thể phụ nữ, lượng hormon estrogen giảm mạnh nên tốc độ thoái hóa xương lại càng nhanh, mỗi năm giảm 1 - 5% khối lượng xương. Khi đó phụ nữ thường bị loãng xương. Mặt khác, quá trình lão hóa đã làm giảm chức năng của tế bào xương, sự hấp thu chất canxi và sự tổng hợp vitamin D kém đi... đều làm cho cấu trúc của xương, sụn mỏng đi, mất tính đàn hồi... nên gây ra các triệu chứng đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp gối. Hầu hết phụ nữ Việt Nam đều làm công việc nội trợ nên dễ bị tổn thương khớp gối hơn nam giới do đặc thù làm việc nhà, người phụ nữ thường ngồi xổm, ngồi xuống đứng lên nhiều lần trong ngày, khi sụn yếu, áp lực như vậy sẽ dễ bị tổn thương khớp gối. Về cấu tạo giải phẫu, dây chằng trước của khớp gối ở phụ nữ yếu hơn ở nam giới. Thêm vào đó là thói quen của phụ nữ là ít để ý đến sức khỏe bản thân, ngại đi khám bệnh, hậu quả là tình trạng thoái hóa khớp gối không được phát hiện và chữa trị kịp thời, dần phát triển thành bệnh thoái hóa khớp gối.
Vì vậy, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng.
BS. Nguyễn Bằng Việt