Phụ nữ nông thôn sinh nhiều con do áp lực gia đình
Khi xã hội ngày càng phát triển, những phụ nữ sống ở thành phố, các khu đô thị lớn - những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, với mức thu nhập và trình độ dân trí cao, họ ngại sinh con. Phụ nữ ở thành thị được tiếp cận với các nguồn thông tin dễ dàng hơn, nhận thức tốt hơn về lợi ích của gia đình sinh ít con… Càng hiểu biết phụ nữ thành phố càng mong muốn con cái của mình được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường sống tốt hơn.
Tuy nhiên chi phí sinh hoạt ở những thành phố rất đắt đỏ, việc nuôi dưỡng và chăm sóc một đứa trẻ vô cùng tốn kém. Chính những suy nghĩ này khiến nhiều phụ nữ sống ở thành thị không dám sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ nữ trẻ sống ở thành phố có xu hướng kết hôn muộn hoặc lựa chọn cuộc sống độc thân.
Trái ngược với những phụ nữ đang sống ở các khu đô thị, những phụ nữ nông thôn -nơi được cho có mức thu nhập thấp, phần đông chỉ làm nông nghiệp lại mong muốn gia đình có nhiều con, thậm chí phải có bằng được con trai để nối dõi.
Một cán bộ dân số ở Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ câu chuyện về một gia đình ở Long Điền có tới 7 người con, cái nghèo bám riết chỉ vì cặp vợ chồng này sinh quá nhiều con. Những đứa lớn phải nghỉ học sớm để đi biển, cùng bố kiếm tiền nuôi mẹ và các em.
Lý do tại các vùng nông thôn, phụ nữ vẫn có xu hướng sinh nhiều con là do áp lực từ gia đình và xã hội. Tại các vùng nông thôn, quan niệm không có con trai sẽ không có người thờ tự, nối dõi, chăm sóc cha mẹ khi về già, thậm chí là "mất họ" hay phải "ngồi mâm dưới" trong các dịp lễ tết … Quan niệm này đã ăn sâu bám rễ nhiều đời, đặc biệt ở vùng nông thôn. Đẻ nhiều con ở nông thôn còn là cách để gia tăng "lực lượng lao động sản xuất" của gia đình...
Nỗ lực đưa về mức sinh thay thế đồng đều ở các vùng, miền
Thông tin từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, Tổng tỷ suất sinh (TFR) là số con đã sinh ra bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ từ 15-49 tuổi. TFR của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,26 con/phụ nữ). TFR của khu vực thành thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế (dao động từ 2,04 đến 2,10 con/phụ nữ) trong khi TFR của khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế trong gần hai thập kỷ qua.
Phụ nữ thuộc nhóm "Giàu nhất" có mức sinh thấp nhất (2,00 con/phụ nữ). Phụ nữ thuộc 3 nhóm ("Giàu", "Trung bình" và "Nghèo") có số con trung bình là 2 con. Phụ nữ thuộc nhóm "Nghèo nhất" có mức sinh cao nhất, với TFR là 2,40 con/phụ nữ, cao hơn nhiều mức sinh thay thế. Điều này cho thấy cần đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ thuộc nhóm "Nghèo nhất".
Trước đó, vào năm 2001, TFR ở khu vực nông thôn là 2,38 con/phụ nữ nhưng đến năm 2019 giảm xuống còn 2,26 con/phụ nữ, trong khi con số này ở khu vực thành thị gần như không thay đổi, xoay quanh mức 1,80 con/phụ nữ. Như vậy là trong thời gian qua, đã có sự thay đổi rất tích cực trong nhận thức về lợi ích sinh ít con của phụ nữ nông thôn mặc dù mức sinh ở nông thôn vẫn cao hơn khá nhiều so với thành thị, đồng thời cao hơn mức sinh thay thế.
Mặc dù nước ta đã khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế nhưng đến nay vẫn đang có mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng. 4/6 vùng mức sinh thay thế bao gồm: Trung du miền núi phía Bắc là 2,48 con, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung là 2,30 con, Tây nguyên 2,32 con, Đồng bằng sông Hồng 2,29 con. 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế gồm Đồng bằng sông Cửu Long là 1,74 con và Đông Nam Bộ là 1,50 con. Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,98 con. Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất là 1,57 con, trong đó cao nhất Hà Tĩnh là 2,9 con, thấp nhất TP Hồ Chí Minh là 1,33 con.
Việt Nam đã đạt dưới mức sinh thay thế, tuy nhiên vẫn còn có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương và các vùng; các nhóm dân tộc; trình độ giáo dục, đào tạo và các nhóm mức sống khác nhau. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác truyền thông nhằm giảm bớt khoảng cách về mức sinh thay thế giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng và các nhóm dân cư khác nhau.
Tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp và giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao. Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ. Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít. Từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng... Quyết định cũng đưa ra các yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động cần ưu tiên thực hiện đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Giao chính quyền các địa phương nghiên cứu, ban hành hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con...
Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi, tránh ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển quốc gia.