ThS.BS Trần Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm tiêm chủng, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và được điều trị bằng thuốc kháng virus, nguy cơ lây truyền có thể giảm đáng kể, giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con.
Với bệnh viêm gan B, nếu mẹ bầu bị nhiễm bệnh lý này, virus có thể lây truyền cho thai nhi qua máu trong lúc sinh. Trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị viêm gan B mạn tính, dẫn đến các biến chứng như xơ gan và ung thư gan.
Xét nghiệm sớm giúp xác định tình trạng của mẹ và có biện pháp phòng ngừa, như tiêm vaccine cho trẻ ngay sau khi sinh.
Với bệnh giang mai, bệnh lý này không chỉ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho mẹ mà còn có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho trẻ. Xét nghiệm và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp lây truyền giang mai từ mẹ sang con.
"Việc xét nghiệm sớm các bệnh lý này là cách tốt nhất để ngăn ngừa các rủi ro cho thai nhi, đảm bảo cho con một khởi đầu khỏe mạnh" - ThS.BS Trần Thị Thùy Linh khuyến cáo.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của mình là từ 30-40%. Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời và toàn diện thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5%, thậm chí dưới 2%.
Các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được khuyến cáo
- Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai: Tất cả phụ nữ mang thai cần phải được làm xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai càng sớm càng tốt, ít nhất 1 lần. Xét nghiệm HIV lần thứ nhất được thực hiện ở hầu hết phụ nữ mang thai và có thể thực hiện lần thứ 2 ở những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.
- Điều trị bằng thuốc kháng virus cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với HIV cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm giảm tải lượng virus HIV trong máu của mẹ dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện, từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV sang con trong lúc mang thai và khi sinh. Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV không chỉ đơn thuần là điều trị ARV cho mẹ, mà còn phải điều trị dự phòng cho con.
- Sinh mổ: Người mẹ có tải lượng virus không thể phát hiện được có thể được khuyến nghị sinh con qua đường âm đạo. Đối với những phụ nữ có tải lượng virus cao (ví dụ trên 1000), sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV.
- Cho con bú sữa công thức: Cho con bú sữa công thức có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ. Người mẹ nhiễm HIV, được điều trị ARV và cho con bú mẹ, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở mức dưới 5%. Còn người mẹ nhiễm HIV, được điều trị ARV nhưng không cho con bú mẹ mà sử dụng sữa công thức, thì tỷ lệ lây truyền chỉ dưới 2%.
Số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm
Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Đến nay, sau 15 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Hiện nay, các hoạt động tiếp tục được triển khai nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Cùng đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...