Vì sao phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt?

02-05-2020 16:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong quá trình mang thai người phụ nữ cần rất nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bản thân trước mắt và lâu dài. Trong số các chất dinh dưỡng này có một nguyên tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đó chính là sắt.

Tại sao phải bổ sung sắt khi mang thai?

Khi mang thai nhu cầu về sắt ở người mẹ tăng cao hơn rất nhiều vì phải cung cấp cho thai nhi, tăng gấp đôi so với bình thường. Vì vậy, phụ nữ khi mang thai rất dễ bị thiếu máu do thiếu sắt.

Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin, có vai trò chính trong việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi. Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% so với bình thường, vì vậy phụ nữ mang thai cần nhiều chất sắt.

Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu thiếu sắt dễ gây ra sảy thai hoặc thai bị chết lưu. Đến những giai đoạn sau, thiếu sắt có thể dẫn đến hiện tượng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Bà mẹ thiếu máu do thiếu sắt trong giai đoạn sinh nở có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phụ nữ mang thai rất cần bổ sung sắt cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ.

Khi nào cần bổ sung sắt?

Từ trước khi mang thai 3 tháng phụ nữ có ý định sinh em bé đã nên bổ sung sắt, sau đó cần bổ sung suốt thai kỳ và sau khi sinh 1 tháng theo chỉ định của bác sĩ.

Để thuốc sắt hấp thu được tốt nên uống lúc đói hoặc với nước trái cây, những thực phẩm chứa nhiều vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn. Không uống sắt cùng với trà, cà phê vì sẽ làm giảm hấp thu sắt. Nên bổ sung sắt III hữu cơ có nhiều ưu điểm hơn sắt sulphate, sắt II fumarate.

Bổ sung sắt dễ gây táo bón, ợ hơi, khó tiêu… Do đó khi uống sắt cần bổ sung thêm chất xơ từ hoa quả, rau xanh, ngũ cốc để tránh hiện tượng táo bón.

Không nên uống sắt cùng với canxi vì sắt rất khó hấp thu và canxi làm cản trở quá trình này.

Phụ nữ mang thai nên bổ sung sắt qua khẩu phần ăn hàng ngày như ăn nhiều thực phẩm giàu sắt: Gan, tim, lòng đỏ trứng, các loại thịt có màu đỏ, các loại đậu, đỗ, rau xanh, bí ngô, nho...


ThS. BS. Lê Thị Hải
Ý kiến của bạn