Lý do xây dựng tiêu chuẩn khí thải riêng cho xe ở Hà Nội và TP.HCM
Theo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành (QCVN) và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông (dự thảo Quyết định).

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng), các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và chuyên gia có liên quan xây dựng dự thảo QCVN và dự thảo Quyết định. Dự thảo QCVN và Quyết định được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng các hình thức khác nhau, trong đó, đã đăng tải, lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; lấy ý kiến bằng văn bản và các hình thức phù hợp khác.
Dự thảo Quyết định chia khí thải ô tô thành 5 mức tương ứng với các tiêu chuẩn Euro, với mức 5 là mức khắt khe nhất. Các mức áp dụng sẽ được phân loại theo năm sản xuất của xe và khu vực lưu hành.
Nội dung chính của quy định về lộ trình trong dự thảo Quyết định như sau: (1) Ô tô sản xuất trước 1999: Phải đáp ứng Mức khí thải 1; (2) Ô tô sản xuất từ 1999 (1999-2016): Phải đáp ứng Mức khí thải 2; (3) Ô tô sản xuất từ 2017 (2017-2021): Phải đáp ứng Mức khí thải 3 từ ngày 1/1/2026; (4) Ô tô sản xuất từ 2022: Phải đáp ứng Mức khí thải 4 từ 1/1/2026 và Mức 5 từ 1/1/2028.
Riêng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, qua số liệu tổng hợp từ mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia thời gian qua cho thấy, chất lượng môi trường không khí có dấu hiệu suy giảm, có một số thời điểm chất lượng không khí ở mức xấu. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Do vậy, cần phải quy định lộ trình áp dụng sớm hơn và áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các địa phương khác.
Theo đó, dự thảo Quyết định quy định riêng đối với xe ô tô đăng ký tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như sau: (i) xe ô tô sản xuất từ năm 2017, phải đáp ứng Mức khí thải 4 từ ngày 1/1/2026; (ii) xe ô tô sản xuất từ năm 2022, phải đáp ứng Mức khí thải 5 từ 1/1/2027.
Trước đây chưa có quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy cho đến khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ban hành, dự thảo Quyết định gồm 6 Điều trong đó, tại Điều 4 của dự thảo Quyết định quy định các mức quy chuẩn khí thải khác nhau mà xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đáp ứng tùy theo năm sản xuất.
Cụ thể đối với xe mô tô sản xuất trước 2008 phải đáp ứng mức khí thải 1; sản xuất từ 2008 - 2016: Phải đáp ứng mức khí thải 2; sản xuất từ 2017 - 30/6/2026: Phải đáp ứng mức khí thải 3; sản xuất sau ngày 1/7/2026: Phải đáp ứng mức khí thải 4.
Đối với xe gắn máy sản xuất trước 2016: Phải đáp ứng mức khí thải 1; sản xuất từ năm 2017 - 30/6/2027: Phải đáp ứng mức khí thải 2; sản xuất sau ngày 01/7/2027: Phải đáp ứng mức khí thải 4.
Bắt đầu kiểm định khí thải xe máy từ năm 2027
Riêng đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải đáp ứng mức khí thải 2 trở lên từ ngày 01/01/2032 nhằm mục đích vừa đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo khí thải đáp ứng các quy định về chất lượng theo quy định, giúp giảm dần ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí. Đặc biệt, đối với TP. Hà Nội có thể quy định mức khí thải mà xe mô tô, xe gắn máy phải đáp ứng khi đi vào các "vùng phát thải thấp" và quy định này do chính quyền Thủ đô quy định.
Dự thảo Quy định đưa ra thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông từ ngày 1/1/2027 trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; từ 1/1/2028 trên địa bàn 4 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế và từ 1/1/2030 trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại.
Ngoài ra, việc quy định lộ trình áp dụng các mức khí thải theo từng giai đoạn như dự thảo cũng để tạo điều kiện cho người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn, làm quen dần với hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và cũng tăng ý thức giữ gìn, duy trì việc bảo trì, bảo dưỡng xe định kỳ để khí thải luôn đạt được quy định phát thải, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và bảo vệ môi trường.
Bộ cũng đang tiếp nhận các ý kiến góp ý, đóng góp, bổ sung của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng người dân…nhằm hoàn thiện các dự thảo các QCVN và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông để các quy định này khi ban hành có tính khả thi cao, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện, giúp cải thiện chất lượng môi trường sống với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Nói về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Kỹ sư Lê Văn Tạch, chuyên gia về công nghệ ô tô chỉ ra sự thiếu hợp lý khi áp dụng tiêu chuẩn khác nhau dựa trên nơi đăng ký xe. Việc quy định xe biển số Hà Nội, TP.HCM phải đạt chuẩn Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026, trong khi xe ở tỉnh khác thì không, là thiếu logic về mặt kỹ thuật.Kỹ sư Lê Văn Tạch đề xuất giải pháp cần có quy định đồng bộ trên toàn quốc, không phân biệt vùng miền. Quan trọng nhất là lấy tiêu chuẩn khí thải tại thời điểm xe xuất xưởng làm cơ sở để kiểm định.
Xe nào khi kiểm định không còn đạt được mức tiêu chuẩn ban đầu do hư hỏng, xuống cấp, không được bảo dưỡng đúng cách thì không cho phép lưu hành. Cách làm này vừa đảm bảo môi trường, vừa công bằng cho người dân.