Hà Nội

Vì sao phải xây dựng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá?

26-08-2011 13:07 | Thời sự
google news

Dự kiến cuối năm 2011, dự án Luật phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở các văn bản quy định về vấn đề này cũng như tình hình thực tế về hút thuốc lá,

Dự kiến cuối năm 2011, dự án Luật phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở các văn bản quy định về vấn đề này cũng như tình hình thực tế về hút thuốc lá, tác hại do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe cộng đồng, đến kinh tế - xã hội... Các quan điểm vì sao phải xây dựng Luật PCTH thuốc lá đã được ban soạn thảo và các chuyên gia thống nhất...

 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Trung ương.       Ảnh: ĐA
Thứ nhất, về quan điểm xây dựng luật: Trước thực trạng sử dụng thuốc lá đang gây ra những tổn thất nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế cho người dân và xã hội nên quan điểm khi xây dựng luật của Bộ Y tế là để bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao sức khỏe cộng đồng, không nhằm mục đích điều chỉnh các hoạt động mang tính chất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế. Vì vậy tên của luật phải là Luật PCTH thuốc lá để phù hợp và thể hiện rõ quan điểm này.

Thứ hai: Mục tiêu Công ước Khung (FCTC) mà Việt Nam đã tham gia, thể hiện rõ cam kết chính trị của Việt Nam “Bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc... nhằm làm giảm đáng kể tỷ lệ người sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc” (Điều 3 FCTC). Để đáp ứng mục tiêu này, nội dung Công ước chỉ quy định các biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng và các biện pháp nhằm giảm cung cấp thuốc lá. FCTC không quy định các biện pháp quản lý sản xuất kinh doanh thuốc lá. Dựa trên cơ sở này Luật PCTH thuốc lá của Việt Nam chỉ nội luật hóa các nội dung mà FCTC đã đề cập nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc gồm: Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng: biện pháp về giá và thuế, bảo vệ khỏi phơi nhiễm với khói thuốc lá, quy định về hàm lượng, nhãn mác của sản phẩm thuốc lá, giáo dục truyền thông, quảng cáo khuyến mại tài trợ, cai nghiện thuốc lá; Các biện pháp nhằm giảm cung cấp sản phẩm thuốc lá: buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá, bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, cung cấp các hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế,... và một số hoạt động liên quan đến giảm việc tiếp cận với sản phẩm thuốc lá như cấp phép bán lẻ thuốc lá, số lượng điếu thuốc trong bao gói, PCTL lậu, giả...

Thứ ba: Khái niệm kiểm soát thuốc lá trong Công ước khung:“Kiểm soát thuốc lá là một loạt các chiến lược giảm cung, cầu và tác hại của thuốc lá nhằm tăng cường sức khỏe nhân dân bằng cách loại trừ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá hoặc giảm phơi nhiễm với khói thuốc lá”. Do đó mặc dù một số nước đã ban hành luật có tên gọi là luật kiểm soát thuốc lá nội dung cơ bản cũng như luật của Việt Nam. Hơn nữa đây không phải là luật phòng chống thuốc lá mà là Luật PCTH thuốc lá theo cách tiếp cận y tế công cộng, nội luật hóa Công ước khung nên tên của luật phải là Luật PCTH thuốc lá.

Thứ tư: Việc lấy tên luật là Luật PCTH thuốc lá sẽ phù hợp với điều kiện nhận thức chung của nhân dân về tác hại của thuốc lá để hướng tới việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo dễ hiểu. Tên luật như vậy cũng phù hợp với cách đặt tên của một số luật hiện hành của Việt Nam, phù hợp với tên các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội. Hơn nữa, hiện tại các hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá đang thực hiện theo Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy để phù hợp với nội dung, mục tiêu, quan điểm xây dựng luật, tên luật phải là Luật PCTH thuốc lá.

Hương Nguyễn


Ý kiến của bạn