Thính giác là một trong những cơ quan phát triển tương đối đầy đủ ngay từ trong bụng mẹ. Đối với trẻ không nghe được, nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ không nói được, dân gian hay gọi là điếc câm, trong khi thực chất bộ phận phát âm hoàn toàn bình thường. Điều này ảnh hưởng rất lớn trong suốt cuộc đời bé.
Cứ 1.000 trẻ sinh có khoảng 4-5 trẻ khiếm thính
Khi 3 - 4 tháng tuổi, cổ của bé đã cứng cáp, bé có thể ngóc đầu lên được, thì khi có âm thanh ở hướng nào bé quay đầu theo hướng đó để tìm. 7 – 8 tháng tuổi, bé bắt đầu ê, a. Đó là những âm tự nhiên phát ra của thanh quản mà trẻ nào cũng có, dù là trẻ nghe bình thường hay trẻ khiếm thính. Khi nghe, bé phát ra những âm “a…a…a” đầu tiên, ba mẹ và ông bà rất mừng vì nghĩ rằng bé đã biết gọi ba, gọi bà . Và mình hay khuyến khích bé lặp lại như: gọi ba đi con, gọi bà đi con, ba nè, bà nè… Những từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đối với trẻ có thính giác bình thường, bé sẽ chỉnh từ những âm “a…a…a” đó thành “ba, bà, măm măm…” Và như vậy, những từ đầu tiên của bé đã hình thành.
Kiểm tra thính lực cho trẻ sơ sinh. |
Lúc đầu bé nói 1 từ, rồi đến 2 từ, sau đó bé biết nói câu ngắn 3, 4 từ… Cứ như vậy, tiếng nói và ngôn ngữ của bé ngày một phát triển.
Những bé bị khiếm thính từ trong bụng mẹ (hay còn gọi là điếc bẩm sinh) thì sau khi phát những âm “a…a…a” đó, bé không nghe nên không chỉnh được thành âm: ba, bà… Chính vì vậy, nhiều cha mẹ hay nhầm và đến nói với bác sĩ: con tôi biết nói, sau đó lại không nói nữa.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh khiếm thính nặng và sâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay khoảng 0,1 - 0,2%, trong khi trẻ khiếm thính nhẹ và vừa là 0,3 -0,4%. Nghĩa là, cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng 4 - 5 trẻ khiếm thính, trong đó khiếm thính nặng và sâu là 1 – 2 em. Có rất nhiều nguyên nhân có thể sinh ra một trẻ khiếm thính như: mẹ bệnh trong thời gian mang thai, vợ chồng đồng huyết thống, ngộ độc thuốc… Có khoảng 15% là do di truyền và 30% không rõ nguyên nhân.
Nên kiểm tra thính giác cho trẻ càng sớm càng tốt
Trẻ không nghe được nếu không phát hiện và can thiệp sớm sẽ không nói được mà dân gian hay gọi là điếc câm, thực chất bộ phận phát âm hoàn toàn bình thường. Trẻ không nghe nói được sẽ không giao tiếp được, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển, tính tình thay đổi… ảnh hưởng rất nhiều đến suốt cuộc sống của bé. Vì vậy, ngày nay trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện chương trình tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi. Đi tiên phong trong vấn đề này là: Mỹ, Úc, Hà lan, Anh, Pháp, Đan Mạch… Ở các nước này, gần như 100% trẻ sơ sinh trước khi rời nhà bảo sanh đều được tầm soát khiếm thính.
Trước kia, vì kỹ thuật đo điện thính giác thân não chưa thiết kế được để tầm soát, người ta dùng nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE) để tầm soát. Tuy nhiên, nghiệm pháp đo âm ốc tai cũng có những hạn chế như: không phát hiện được điếc nguyên nhân sau ốc tai, không cho biết mức độ khiếm thính… Ngày nay, người ta đã chế tạo máy đo điện thính giác thân não xách tay (ABR) để tầm soát. Và hầu hết người ta sử dụng cả 2 nghiệm pháp đo âm ốc tai và đo điện thính giác thân não để cho kết quả chính xác hơn. Hiện nay, ở TP. HCM, một số bệnh viện (BV) sản khoa lớn như: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Quốc tế đã trang bị máy đo OAE để tầm soát khiếm thính. Những bà mẹ nào sinh con ở các BV này nên đề nghị kiểm tra thính giác trước khi ra viện. Vì như trên đã nói, có 30% không rõ nguyên nhân gây điếc bẩm sinh, vì vậy đâu biết tỷ lệ này rơi vào bé nào. Nếu để chờ đến 2 - 3 tuổi, con không biết nói thì đã muộn rồi.
Những mẹ có con dưới 3 tuổi, chưa biết nói, nói ngọng, ít nhạy với âm thanh… cũng nên đưa các cháu đến những cơ sở có đầy đủ phương tiện như: Khoa Thính học BV. Tai Mũi Họng TP. HCM, khoa Tai Mũi Họng BV. Nhi Đồng I TP. HCM hay Trung tâm trợ thính Connect Hearing để kiểm tra thính giác càng sớm càng tố
BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY