Tỉ lệ tử vong mẹ ở vùng dân tộc thiểu số còn cao
TS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, dù tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam đã giảm rất nhiều nhưng so với mức trung bình của thế giới, nhất là so với các nước phát triển thì tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng tới chất lượng dân số.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ sinh được khám thai từ 4 lần trở lên đạt hơn 80%; tỷ lệ phụ nữ sinh được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thách thức ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.
Trước đây, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ sơ sinh tại Việt Nam năm 2000 là 165 ca, năm 2009 là 69 ca và hiện tại giảm xuống 46 ca, phấn đấu đến năm 2020 xuống 45 ca. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng hàng thứ 3, nhưng so với các nước phát triển thì Việt Nam còn một khoảng cách rất xa. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Thực tế chứng minh tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi thường liên quan nhiều đến các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ khi mang thai và sinh nở. Đồng thời, các tập quán chăm sóc lạc hậu của người dân tộc thiểu số với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai khiến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Ví dụ như tập quán phổ biến của người dân tộc thiểu số là tự sinh con, không cần trợ giúp của chuyên viên y tế; cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, mất vệ sinh, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh...
Mặt khác, phụ nữ dân tộc thiểu số thường kết hôn, sinh con sớm khi chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu... Hiện ngành y tế đang nỗ lực để giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Điều tra của nhóm nghiên cứu do GS.TS.BS Bùi Thị Thu Hà, Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện cho thấy, trên toàn quốc, 95% số bà mẹ được chăm sóc trước sinh và sinh con có người đỡ đẻ đã được thông qua đào tạo. Tuy vậy, tỷ lệ đẻ tại nhà của một số nhóm dân tộc còn cao và có sự chênh lệch nhiều giữa các nhóm dân tộc, dao động từ 20% - 90% (ví dụ trong nhóm người H'Mông: 77,4%; Xơ Đăng: 68%; Thái: 57,3%; Ba Na: 56,5%; Gia Rai:52,3%).
Nghiên cứu khác tại 60 xã khó khăn nhất ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên năm 2017 cho thấy nhóm dân tộc ít người (DTIN) và người sống tại vùng sâu vùng xa có tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ (CSSKBM) thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước. Ví dụ như dịch vụ khám thai ít nhất bốn lần (16% so với 74%), sinh con có sự hỗ trợ của người đỡ đẻ được đào tạo (SBA) (49% so với 94%).
Nghiên cứu năm 2021 tại một số tỉnh miền núi cho thấy khoảng 34% phụ nữ dân tộc ít người được khám thai ít nhất 4 lần, dao động từ 8,3% trong nhóm người H'Mông đến 80,2% trong nhóm người Chăm ở An Giang.
Phần lớn các trường hợp tử vong mẹ và con có thể phòng tránh được nếu phụ nữ tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao trong thời gian họ mang thai và sinh con. Việt Nam là quê hương của 53 nhóm dân tộc thiểu số và hầu hết các dân tộc này đều sống ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa với sự phát triển kinh tế xã hội hạn chế và điều kiện giao thông khó khăn. Do đó, việc đảm bảo tất cả phụ nữ có thể tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình mang thai và sinh con là một thách thức rất lớn.
Cơ sở y tế là nơi đẻ an toàn nhất
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, nơi đẻ an toàn là cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế, thai phụ được những người có chuyên môn đỡ đẻ và chăm sóc; Có phòng đẻ sạch với dụng cụ đỡ đẻ tiệt trùng, tránh được nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và con; Phát hiện sớm các tai biến và cấp cứu kịp thời; Có sẵn thuốc, phương tiện cấp cứu khi cần thiết; Được tư vấn về cách chăm sóc mẹ và con, về kế hoạch hóa gia đình sau sinh.
Đối với những bà mẹ mang thai "có yếu tố nguy cơ" (phát hiện qua các đợt khám thai) thì nhất thiết phải đến đẻ tại cơ sở y tế. Nếu thấy "có nguy cơ" nên chủ động sắp xếp chọn cơ sở y tế thích hợp, thí dụ: Nếu đã có vết mổ đẻ cũ thì phải đến thẳng cơ sở y tế có đủ điều kiện phẫu thuật mà không cần qua các đơn vị chuyển tuyến trung gian như: trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực...
Ngoài ra những trường hợp chưa phát hiện "có nguy cơ" cũng vẫn nên đến đẻ tại các cơ sở y tế vì ngay trong lúc chuyển dạ đẻ và sau đẻ cũng vẫn có thể xuất hiện "nguy cơ" mà ta không thể biết trước được.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi đi đẻ, thai phụ và người nhà cần chuẩn bị tiền, đồ dùng cho cả mẹ và con, thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, căn cước công dân…), Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em hoặc Sổ khám thai, quần áo, khăn, tã lót, mũ, tất (vớ), giấy vệ sinh, cốc (ly), thìa (muỗng)… Đến gần ngày sinh nên ở nhà, không đi đâu xa.
Đồ dùng cho mẹ gồm 1 bộ quần áo cho mẹ mặc khi xuất viện. Trong thời gian lưu lại ở bệnh viện, mẹ sẽ được nhân viên y tế phát quần áo để thay hằng ngày. Bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng. Khăn lau mặt, khăn tắm. Lược, kẹp/buộc tóc. Quần lót, nên sử dụng quần lót giấy hoặc các loại quần lót sử dụng 1 lần. Mẹ cần chọn size quần vừa với bản thân.Băng vệ sinh loại lớn dùng cho mẹ đi sanh và băng vệ sinh loại thông thường dùng vào những ngày chưa chuyển dạ hoặc sau sinh khi tình trạng ra huyết đã giảm. Áo lót loại co giãn, thoáng, loại cho con bú
Túi đồ dùng cho trẻ: Quần áo cho trẻ sơ sinh khoảng 5 - 7 bộ. Khi em bé vừa chào đời, bệnh viện sẽ phát và mặc cho bé 1 bộ đồ đã tiệt khuẩn gồm: mũ, áo, tã, bao chân, khăn quấn. Tã sơ sinh loại miếng lót sơ sinh + tã vải hoặc tã dán sơ sinh. Khăn sữa nhỏ để lau mặt, lau mắt, lau đờm dãi cho bé. Khăn tắm to, khăn quấn bé, nên chọn loại khăn mềm khổ lớn để giúp giữ ấm cho con. Giấy ướt, nước muối sinh lý và các vật dụng khác.
Chuẩn bị phương tiện vận chuyển để đưa đến cơ sở y tế khi người phụ nữ mang thai có dấu hiệu chuyển dạ hoặc có dấu hiệu nguy hiểm; Chuẩn bị thức ăn cho bà mẹ; Chuẩn bị chỗ nằm cho bà mẹ và trẻ sơ sinh: Nơi có ánh sáng, ấm áp, thoáng khí nhưng không có gió lùa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
8 Thực Phẩm Tự Nhiên Giàu Chất Xơ Hàng Đầu | SKĐS