Lùi thời hạn, tiến tới xe đạt chuẩn khí thải mới được lưu hành
Tại cuộc họp tham vấn về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải ô tô, mô tô, xe gắn máy và lộ trình áp dụng trong những năm tới, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dự thảo đề xuất thời điểm bắt đầu kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy là từ ngày 1/7/2027 đối với Hà Nội và TP.HCM; từ ngày 1/7/2028 đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; từ ngày 1/7/2030 áp dụng đối với các địa phương còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương có thể áp dụng sớm hơn.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rà soát, bổ sung và chỉnh sửa quy định như sau: xe ô tô có năm sản xuất từ năm 2017 trở đi sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 3 từ ngày 1/1/2026; riêng xe ô tô tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM có năm sản xuất từ 2017 sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 4 từ ngày 1/1/2027.

Kiểm soát khí thải xe ô tô là cần thiết nhưng phải có lộ trình phù hợp.
Đối với xe ô tô sản xuất từ năm 2022, mức áp dụng tiêu chuẩn là mức 4 từ ngày 1/1/2026 và mức 5 từ ngày 1/1/2030; riêng xe ô tô tại Hà Nội và TP.HCM cùng năm sản xuất sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 5 từ ngày 1/1/2028.
Từ ngày 1/1/2030, tất cả xe ô tô lưu thông trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, kể cả xe sản xuất trước năm 1999, phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 trở lên mới được phép lưu hành.
Như vậy, thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất từ năm 2022 đã được lùi muộn hơn 2 năm so với dự thảo trước đây, từ ngày 1/1/2028 lên 1/1/2030. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, thời hạn áp dụng tiêu chuẩn mức 4 (với xe sản xuất từ năm 2017) và mức 5 (xe sản xuất từ năm 2022) cũng được lùi muộn hơn 1 năm so với dự thảo trước, lần lượt từ ngày 1/1/2027 và 1/1/2028.
Ngoài ra, từ năm 2030, toàn bộ xe ô tô tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, dù sản xuất trước năm 1999, cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 trở lên mới được phép lưu hành.
Trước đó, ngày 25/4, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản góp ý tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam. Trong văn bản, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét lại mức tiêu chuẩn khí thải được quy định tại Điều 4 dự thảo.
Cụ thể, Điều 4 dự thảo quy định: ô tô sản xuất trước năm 1999 áp dụng tiêu chuẩn mức 1; ô tô sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2; ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng) và động cơ cháy do nén (động cơ diesel) sản xuất từ năm 2017 áp dụng mức 3 từ ngày 1/1/2026; xe sản xuất từ năm 2022 áp dụng mức 4 từ 1/1/2026 và mức 5 từ 1/1/2028.
Đáng chú ý, với xe ô tô đăng ký biển số tại Hà Nội và TP.HCM, thời gian áp dụng các mức tiêu chuẩn cao hơn sẽ sớm hơn. Cụ thể, xe sản xuất từ năm 2017 tại hai thành phố này áp dụng mức 4 từ ngày 1/1/2026, trong khi các địa phương khác mới áp dụng mức 3 cùng thời điểm. Đối với xe sản xuất từ năm 2022 đăng ký tại Hà Nội và TP.HCM, áp dụng mức 5 từ ngày 1/1/2027, tức sớm hơn 1 năm so với các địa phương khác.
Theo Bộ Xây dựng, quy định này có thể dẫn tới việc từ ngày 1/1/2026 một số xe sản xuất từ năm 2017 không đạt tiêu chuẩn mức 3 sẽ bị loại khỏi lưu hành toàn quốc, đồng thời một số xe sản xuất từ năm 2022 không đạt mức 4 cũng bị loại. Đến ngày 1/1/2028, xe sản xuất từ năm 2022 trở đi không đạt tiêu chuẩn mức 5 cũng sẽ bị loại khỏi lưu hành.
Tuy nhiên, xe sản xuất trước đó vẫn được phép lưu hành do áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức thấp hơn (mức 1, mức 2), dù thực tế các mức này có lượng phát thải chất gây ô nhiễm lớn hơn nhiều so với mức 4, mức 5. Điều này tạo ra tình trạng bất hợp lý khi xe có tiêu chuẩn phát thải cao (mức 4, 5) có thể bị loại bỏ còn xe phát thải lớn hơn (mức 1, 2) vẫn được lưu hành.
Hệ quả của quy định này có thể khiến người dân ưu tiên sử dụng xe đời cũ hơn vì chi phí duy trì tiêu chuẩn phát thải cho xe đời cũ thấp hơn so với xe đời mới, đồng thời rủi ro bị loại khỏi lưu hành của xe đời cũ cũng thấp hơn.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị cân nhắc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn mức 5 đối với xe sản xuất từ năm 2022 sang ngày 1/1/2028, phù hợp với Quyết định số 19/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn khí thải xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng, trong đó xe nhập khẩu đã qua sử dụng với năm sản xuất không quá 5 năm phải đáp ứng tiêu chuẩn mức 4 trở lên mới được nhập khẩu.
Siết khí thải xe ô tô phải đồng bộ và có lộ trình
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nhận xét siết chặt tiêu chuẩn khí thải của ô tô và xe máy là cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đáng báo động.
Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công cụ kỹ thuật thông qua tiêu chuẩn khí thải, nếu kiểm tra xe không đạt thì sẽ không được lưu hành chứ không phải có được vào thành phố hay không.
Tuy vậy, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng trước mỗi chính sách bao giờ cũng có nhiều luồng dư luận, vì vậy, cần lộ trình và hướng dẫn rõ ràng để người dân hiểu và thực hiện đúng. Cùng với đó, Nhà nước đẩy mạnh phát triển, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cần định nghĩa phương tiện lưu hành tại Việt Nam, không chỉ các loại xe mang biển số Việt Nam mà còn có xe ngoại giao, xe mang biển số các nước xung quanh như Campuchia, Lào…Ngoài ra còn có các loại xe phục vụ quốc phòng, ngành công an (trừ xe đặc chủng như xe tăng, bọc thép…) và cần có bộ quy chuẩn riêng với các phương tiện thi công cơ giới…
"Chúng ta nên lưu ý xu hướng chuyển từ xe sử dụng xăng dầu sang xe điện, xe hydro rất nhanh. Nên có chính sách ủng hộ tiền cho người dân mua xe năng lượng sạch, chúng ta nên đánh giá theo xu hướng lượng xe máy sử dụng xăng dầu sẽ giảm dần", PGS – TS Phùng Chí Sỹ đề xuất.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết kiểm soát khí thải đối với ô tô, xe máy là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhiều quốc gia cũng đã áp dụng đăng kiểm khí thải phương tiện giao thông.
Hiện nay Cục Môi trường đang lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình kiểm soát khí thải. Hướng tới xây dựng trung tâm kiểm định qua các đại lý, cơ sở bảo dưỡng và xây dựng trung tâm kiểm định theo hướng xã hội hóa nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
Tiêu chuẩn khí thải mức 4 dành cho ô tô (QCVN 86:2015/BGTVT)
Đây là tiêu chuẩn quy định kỹ thuật nhằm kiểm soát và giảm lượng khí thải độc hại phát sinh từ xe ô tô lưu hành trên đường. Mức 4 yêu cầu các phương tiện phải đáp ứng giới hạn nghiêm ngặt về các thành phần khí thải gồm carbon monoxide (CO), hydrocarbon (HC), oxit nitơ (NOx) và hạt bụi (PM).
Cụ thể, với ô tô chạy xăng, mức 4 giới hạn chặt chẽ nồng độ CO và HC để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Với ô tô động cơ diesel, ngoài giới hạn CO, HC, còn có quy định khắt khe hơn về NOx và bụi mịn – hai yếu tố gây ô nhiễm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Tiêu chuẩn này áp dụng cho xe sản xuất hoặc nhập khẩu mới, cũng như xe đã lưu hành phải thực hiện kiểm định khí thải định kỳ để đảm bảo duy trì hiệu suất xử lý khí thải theo quy chuẩn. Việc áp dụng tiêu chuẩn mức 4 góp phần giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng không khí đô thị, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ ô tô sạch, thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn khí thải mức 5 là tiêu chuẩn giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải ô tô tương ứng với mức Euro 5 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban kinh tế Châu Âu của Liên Hợp Quốc hoặc trong chỉ thị của Liên minh Châu Âu áp dụng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tiêu chuẩn khí thải mức 5 có quy định rất khắt khe và cụ thể về giới hạn số lượng - trọng lượng của các hạt thải ra bên ngoài. Tiêu chuẩn khí thải mức 5 cũng áp dụng việc tính khối lượng hạt bụi trong khí thải đối với động cơ phun xăng trực tiếp.