Bác sĩ đã dặn là phải uống thuốc đều đặn và đi khám định kỳ. Tuy nhiên, do huyết áp đã ổn định nên bố tôi đòi bỏ thuốc. Xin bác sĩ tư vấn bố tôi có nên ngừng thuốc không?
Nguyễn Trọng Khoa (Hà Nội)
THA được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó thường không có triệu chứng như chúng ta vẫn thường nghĩ (đau đầu, nóng bừng mặt...) cho đến khi gây ra những biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị THA phải đạt được 2 mục đích: Một là giữ huyết áp ổn định và phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh (đột quỵ, nhồi máu cơ tim...). Hai là nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
Muốn phòng ngừa lâu dài các biến chứng, cần phải tuân thủ một nguyên tắc quan trọng nhất: Điều trị THA là một điều trị suốt đời. Nghĩa là khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường và ổn định, người bệnh vẫn phải dùng thuốc điều trị liên tục, hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Mặc dù đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nhưng trên thực tế lâm sàng thì có rất nhiều bệnh nhân sau khi uống thuốc được một thời gian, thấy huyết áp ổn định và sức khỏe tốt thì đã tự ý bỏ thuốc mà không đi khám lại bệnh... Cho đến khi họ thấy xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao, lúc đó mới lại dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không hiệu quả và không có tác dụng dự phòng được các biến chứng. Vì vậy, dù huyết áp đã trở về bình thường, cảm thấy khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường, thì người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị như đã nêu trên.
Ngoài dùng các thuốc điều trị tăng huyết áp, một biện pháp khác cũng rất quan trọng, bắt buộc và song song với dùng thuốc đó là: Từ bỏ các thói quen nguy hại (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, thói quen ăn mặn, lười vận động); giảm cân nặng (nếu có thừa cân); tăng cường tập luyện thể lực hằng ngày (tùy theo khả năng thể lực của mỗi người mà có các biện pháp tập luyện thích hợp). Hạn chế ăn mỡ động vật và các thức ăn giàu cholesterol (như phủ tạng động vật)...