Vì sao phải dùng sản phẩm sữa với giá... trên trời?

14-09-2013 07:28 | Thời sự
google news

Trước thông tin giá sản phẩm sữa có sự chênh lệch lớn sau khi nhập khẩu và bán ra thị trường, người tiêu dùng và dư luận đang rất bức xúc. Câu hỏi được đặt ra là tại sao sản phẩm sữa ngoại nhập lại có thể đội giá bán cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu như vậy?

Bài 2: Người có trách nhiệm nói gì?

Trước thông tin giá sản phẩm sữa có sự chênh lệch lớn sau khi nhập khẩu và bán ra thị trường, người tiêu dùng và dư luận đang rất bức xúc. Câu hỏi được đặt ra là tại sao sản phẩm sữa ngoại nhập lại có thể đội giá bán cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu như vậy?

Muốn giá sữa hợp lý, cần vào cuộc thực sự

Theo một số chuyên gia kinh tế, sữa ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách nhanh chóng và sớm đến tay người tiêu dùng như vậy là do các hãng sữa đã chi ra một khoản kinh phí rất lớn để quảng cáo, tiếp thị,... Để bù đắp lại những khoản chi phí nói trên, hãng sữa ngoại buộc phải tăng giá và người gánh chịu không ai khác chính là người tiêu dùng. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp chỉ được phép dành chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Tuy nhiên, trên thực tế chi phí để dành cho quảng cáo tiếp thị của các doanh nghiệp luôn cao hơn nhiều lần mức cho phép.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành về thuế trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện các hãng sữa ngoại đều chi cho quảng cáo vượt 10% theo quy định, thậm chí, có hãng sữa vượt tới 40%. Bên cạnh đó, hội chứng tâm lý đám đông khi người mua thường rủ nhau mua tạo ra "cầu" rất lớn trong xã hội, từ đây càng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền áp đặt được giá cao.
Vì sao phải dùng sản phẩm sữa với giá... trên trời? 1
 Lực lượng hải quan kiểm tra một lô hàng sữa ngoại nhập khẩu. Ảnh: MP

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Hướng - Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế cần kiểm soát chặt chẽ giá nhập và giá bán của các hãng sữa, cùng đó cần khẩn trương vào cuộc thực sự để làm rõ vấn đề chênh lệch giá sữa nhập ngoại. Không thể để doanh nghiệp quảng cáo gấp nhiều lần mức quy định rồi sau đó đội giá lên khiến người tiêu dùng phải gánh chịu. Cần phải xuất toán rõ và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ việc kê khai thuế của các hãng sữa ngoại, như vậy mới nói hết được việc hạch toán thu chi đúng hay đủ của sản phẩm sữa nhập ngoại.

Trước thông tin giá sản phẩm sữa ngoại nhập tăng cao được phản ánh trên các cơ quan thông tấn báo chí trong những ngày qua, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan báo cáo về vấn đề này trước ngày 15/9 để xem xét, xử lý.

Chờ sự giải trình từ các công ty sữa

Trao đổi với PV báo SK&ĐS về vấn đề này, TS. Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trước thông tin giá sữa bột bán trên thị trường cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu, Hội đã có văn bản gửi các công ty sữa lớn như Mead Jonhson Việt Nam, Nestlé yêu cầu các công ty này giải trình, phản hồi ý kiến của dư luận về sự chênh lệch giá sữa nhập khẩu. Hội sẽ lên tiếng để bảo vệ người tiêu dùng khi thông tin có đầy đủ cơ sở, nhằm tránh gây thêm bức xúc cho dư luận. Chúng tôi khẳng định, khi nào thu thập đầy đủ thông tin, Hội sẽ có tiếng nói chính thức với dư luận.

Liên quan đến việc chênh lệch giá sữa, nghi vấn về khả năng một số công ty phân phối sữa khai thấp giá nhập khẩu để trốn thuế nhập khẩu đã được đặt ra. Trả lời về vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, để tăng cường công tác quản lý giá sữa tại khâu nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng các công ty nhập khẩu khai báo thấp giá mặt hàng sữa để trốn thuế nhập khẩu, trước đây Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1380/TCHQ-TXNK chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố bổ sung mặt hàng sữa vào danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu cấp cục để thực hiện việc kiểm tra trị giá khai báo, xác định dấu hiệu nghi vấn, tổ chức tham vấn để bác bỏ trị giá khai báo đối với những lô hàng khai báo trị giá thấp, bất hợp lý theo quy định.
 
Hiện nay, mặt hàng sữa đã được đưa vào danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu của các địa phương có phát sinh nhập khẩu mặt hàng sữa nhiều, thường xuyên như: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng... Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin tổng hợp kết quả tham vấn, xác định giá đối với mặt hàng sữa nhập khẩu tại các cục hải quan địa phương để Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính có thêm thông tin phục vụ công tác quản lý giá đối với mặt hàng sữa nhập khẩu.
 
Giá sữa chỉ được bình ổn khi cơ quan chức năng vào cuộc thực sự quyết liệt. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tập trung tìm biện pháp quản lý, kiểm tra các chi phí trung gian và mức chiết khấu cho đại lý, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử phạt nặng những doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

La Phong - Trần Lâm


Ý kiến của bạn