Hà Nội

Vì sao phải cập nhật hướng dẫn quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản?

28-09-2024 15:23 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Hướng dẫn quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản cần phải được cập nhật thường xuyên, liên tục để theo kịp được với xu hướng phát triển của khoa học, kỹ thuật trong nước và trên thế giới.

10 loại thực phẩm hàng đầu giúp tăng khả năng sinh sản10 loại thực phẩm hàng đầu giúp tăng khả năng sinh sản

SKĐS - Thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện sức khỏe sinh sản và tăng cơ hội mang thai…

Cập nhật mới theo sự phát triển của thực tiễn

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đang tiếp tục soạn thảo để cập nhật bổ sung "Hướng dẫn Quốc gia các dịch vụ chăm sóc sinh sản phiên bản năm 2016" để có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Trong vòng 30 năm qua, tỷ số tử vong mẹ đã giảm gần 6 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây.

Vì sao phải cập nhật hướng dẫn quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản?- Ảnh 2.

Sẽ có nhiều cập nhất trong Hướng dẫn quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cũng trong thời kỳ đó, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm gần 4 lần, từ mức 44‰ xuống còn khoảng 12‰. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân cũng đã giảm mạnh từ mức 33% năm 2000 xuống còn dưới 11% ở thời điểm hiện tại. Với những thành tựu đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Để có được những thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thầy thuốc chuyên ngành Sản phụ khoa trong cả nước. Trong thời gian qua, chuyên ngành sản phụ khoa của chúng ta đã lớn mạnh không ngừng: Hàng loạt các can thiệp đã được chứng minh hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa tai biến, tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh đã được triển khai đồng loạt, mạnh mẽ trong cả nước; Rất nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được áp dụng nhằm cứu sống tính mạng, cải thiện giống nòi, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em.

Chuyên ngành sản phụ khoa cũng là một trong những chuyên ngành tiên phong trong việc tham mưu cho Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chuyên môn để phát triển kỹ thuật, điển hình là Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Được ban hành lần đầu tiên năm 2003, trải qua 2 lần chỉnh sửa, cập nhật vào các năm 2009 và 2016 với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu về sản phụ khoa trong nước, sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ CSSKSS đã trở thành một tài liệu quan trọng, có tính chất định hướng về kỹ thuật chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến, đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng các giáo trình đào tạo chính quy cho sinh viên y khoa; chương trình và tài liệu đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.

Tuy nhiên, đặc tính của y học nói chung và chuyên ngành sản phụ, nhi khoa nói riêng là phát triển không ngừng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trên thế giới, nhiều phát minh trong các lĩnh vực sinh học, hóa học, tin học, trí tuệ nhân tạo… đã được áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh. Tại Việt Nam, các cơ sở y tế cũng không ngừng cập nhật phương pháp mới, kỹ thuật mới trong chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Chính vì vậy, Hướng dẫn quốc gia cũng cần phải được cập nhật thường xuyên, liên tục để theo kịp được với xu hướng phát triển của khoa học, kỹ thuật trong nước và trên thế giới.

Ưu tiên cho sức khỏe sinh sản

Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Một mặt, những người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trì hoãn việc sinh con trong thời điểm bất ổn về tài chính và khủng hoảng. Mặt khác, gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa cách ly dự kiến sẽ làm gia tăng mạnh mẽ số ca mang thai ngoài ý muốn của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Nhiều quốc gia đã thể hiện mối quan ngại ngày càng tăng về việc thay đổi tỷ suất sinh. Trước đây, những cảnh báo liên quan đến tỷ suất sinh đã dẫn đến những vi phạm quyền con người. Tại các khu vực có dân số tăng, những biện pháp chính sách tiêu cực có thể là các chương trình kế hoạch hóa gia đình cưỡng bức và triệt sản. Trong khi ở những khu vực khác, việc tiếp cận biện pháp tránh thai lại bị hạn chế.

Trong đại dịch, những gián đoạn trong cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người.

Vì sao phải cập nhật hướng dẫn quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản?- Ảnh 3.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt là nền tảng tạo nên chất lượng dân số cao.

Để nâng cao chất lượng dân số, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đang có những nỗ lực không ngừng cùng với các tổ chức quốc tế để duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.

Những năm qua, nhiều thành quả trong công tác nâng cao chất lượng dân số cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước.

Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh, tập trung mọi nguồn lực chuyển trong tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Vì vậy, công tác dân số không chỉ chú trọng tới mục tiêu kế hoạch hóa gia đình như trước, cần phải gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh – các yếu tố liên quan đến phát triển nhanh, bền vững đất nước để nâng cao vị thế con người Việt Nam.

Trong những năm qua, để góp phần thực hiện nâng cao chất lượng dân số, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình như: Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh; can thiệp truyền thông để giảm thiểu hôn nhân cận huyết, tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi… Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 huyện, xã.

Bên cạnh đó, mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho rất nhiều thanh niên đồng thời truyền thông giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa bàn "nóng" về tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục.

Những mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn biết được họ có mang gene bệnh trong người hay không; đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người mang gene bệnh khi có thai.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững...

Tác động của HIV và STI đến khả năng sinh sảnTác động của HIV và STI đến khả năng sinh sản

SKĐS - Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là những vấn đề sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây vô sinh, ung thư và biến chứng thai kỳ… đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc lây truyền HIV.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh nhân hiểm nghèo | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn