Vì sao ông Trầm Bê bị khởi tố, bắt tạm giam?

04-08-2017 17:10 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trầm Bê...

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank). Cả hai cùng bị khởi tố bắt tạm giam vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Cựu lãnh đạo Ngân hàng Sacombank Trầm Bê bị cho có sai phạm, tiếp tay cho Phạm Công Danh gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.Ông Trầm Bê vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Trầm Bê vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Liên quan tới vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng; căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 31/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can, trong đó có 2 đối tượng trên. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Ngày 1/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh đối với các bị can, đồng thời khẩn trương điều tra mở rộng, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bước đầu được biết hành vi của ông Trầm Bê và các đồng phạm nêu trên đã gây thiệt hại khoảng 6.600 tỷ đồng. Trong số tiền thiệt hại trên, một phần đã được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh. Theo đó, tháng 4/2013 ông Danh đã trực tiếp gặp ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank đề nghị ông Trầm Bê cho vay tiền (vì ông Trầm Bê và ông Danh đã có quan hệ với nhau từ khi còn ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam).

Do biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB nên không thể vay tiền tại đây nên ông Trầm Bê đã đồng ý cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank. Ông Trầm Bê trực tiếp dẫn Phạm Công Danh sang gặp Phan Huy Khang, thành viên Hội đồng tín dụng, Tổng Giám đốc Sacombank và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng. Sau khi được ông Trầm Bê và Phan Huy Khang đồng ý, Danh gọi cho một số cán bộ dưới quyền đến gặp ông Khang để triển khai việc vay tiền. Sau đó Khang đã giao cho cấp dưới của mình (Sacombank Chi nhánh Q.8 và Chi nhánh Hưng Đạo) triển khai cho Danh vay 1.800 tỷ đồng theo chỉ đạo của ông Trầm Bê.

Để gấp rút vay số tiền trên, thuộc cấp của Phạm Công Danh phải mang theo 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty đến Sacombank làm thủ tục. 6 công ty này do Phạm Công Danh lập ra, giám đốc đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị... của Tập đoàn Thiên Thanh. Theo kết quả giám định, việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ khi chưa thẩm định nguồn vốn và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay và khả năng hoàn trả nợ vay là chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.

Theo Cơ quan điều tra, việc Sacombank Chi nhánh Q.8 và Chi nhánh Hưng Đạo lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ cũng là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng theo luật của các tổ chức tín dụng. Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang cũng thừa nhận việc hồ sơ vay vốn của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài hồ sơ về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay từ các hợp đồng nguyên tắc để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng nên xét xem quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định. Hiện C46 đang tiến hành điều tra làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án.

Liên quan đến việc ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cho biết, việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng, theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh trong vụ án này. Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/2 và ông Phan Huy Khang cũng không giữ bất cứ chức vụ nào tại Sacombank từ ngày 3/7. Ngày 30/6, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016, 2017 của Sacombank đã bầu ra Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 với Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Dương Công Minh.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn