1. Thường xuyên đau dạ dày vì áp lực công việc
Là một phóng viên chuyên mục Thời sự của một tờ báo lớn trên địa bàn Hà Nội, chị N.T. Hà thường phải đi công tác hay tham gia các buổi họp báo, sự kiện để đưa tin bài chính xác và nhanh nhất có thể. Vì lịch làm việc dày đặc, số lượng tin bài nhiều nên chị thường xuyên dậy sớm, thức khuya, giờ giấc ăn uống thất thường, có lúc vừa ăn vừa làm…
Có thời gian chị rơi vào căng thẳng, stress, mất ngủ… vì áp lực công việc. Theo chị Hà, những lúc đó chị cảm thấy như kiệt sức, đặc biệt là các cơn đau dạ dày tái phát liên tục khiến chị rất mệt mỏi.
Cũng như chị Hà, anh T.V.B, cũng là phóng viên một tờ báo điện tử khác cho biết, vì có tiền sử bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, mỗi khi căng thẳng, công việc nhiều anh lại bị cơn đau dạ dày hành hạ, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và làm việc, phải uống thuốc nhiều ngày mới giảm…
2. Nguyên nhân và biểu hiện viêm loét dạ dày - tá tràng
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố như: Chế độ ăn uống không hợp lý (lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, thức ăn cay nóng, chiên xào; ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ…); Sinh hoạt không điều độ (ngủ không đủ giấc, thức quá khuya); Lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh; Nhiễm vi khuẩn HP.
Các nguyên nhân khác như: stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài cũng được coi là yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
Khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng người bệnh thường có các triệu chứng:
- Đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Triệu chứng này xảy ra ngay sau khi ăn trong loét dạ dày và 2-3 giờ sau bữa ăn trong loét tá tràng. Cơn đau thường dữ dội hơn vào ban đêm và gần sáng.
- Ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, cảm giác chướng căng tức bụng vùng trên rốn khiến người bệnh chán ăn, mệt mỏi, tiết nhiều nước bọt.
- Buồn nôn, nôn: Người bệnh cảm thấy buồn nôn, nôn. Sau khi nôn cảm thấy dễ chịu hơn nếu ổ loét gây hẹp môn vị. Có thể gặp nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen (như bã cà phê) do chảy máu ổ loét.
3. Sống lành mạnh và dinh dưỡng khoa học để phòng ngừa đau dạ dày
Có nhiều nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày, chủ yếu do lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh… Đặc biệt chế độ ăn uống không hợp lý, sinh hoạt không điều độ, ngủ không đủ giấc, căng thẳng, stress… là nguyên nhân rất quan trọng.
Do đó, những người có tiền sử viêm loét dạ dày mà công việc bận rộn, áp lực, thường xuyên có chế độ ăn uống không khoa học, sinh hoạt không đúng giờ… thường hay tái phát cơn đau dạ dày.
Nghiên cứu cho thấy, khi chúng ta căng thẳng, các hormone và chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng trong cơ thể. Điều này có thể tác động tiêu cực đến nhu động ruột, hoặc cách ruột và dạ dày của chúng ta co bóp và di chuyển chất thải ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của vi khuẩn trong đường ruột, gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Căng thẳng, stress cũng có thể gây ra sự co thắt ở thực quản. Nó có thể làm tăng axit trong dạ dày, hoạt động của dạ dày bị ảnh hưởng và gây cảm giác khó tiêu, buồn nôn.
Những người bị căng thẳng, bận rộn cũng có xu hướng sử dụng các thực phẩm không lành mạnh cho đường tiêu hóa như: thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn nhiều chất béo. Mọi người cũng có thể hút thuốc và uống nhiều rượu hơn bình thường. Những yếu tố này có thể góp phần gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa, trong đó có triệu chứng viêm loét dạ dày.
Thói quen thức khuya để làm việc cũng làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ban đêm là thời gian các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi để phục hồi và tái tạo lại. Nếu thức quá khuya, dạ dày sẽ không được nghỉ ngơi nên sẽ tiết ra nhiều axit dịch vị. Nồng độ axit tăng quá mức sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây trào ngược dạ dày-thực quản và làm nặng thêm các triệu chứng viêm loét dạ dày.
Xem thêm video đang được quan tâm