Hà Nội

Vì sao nhiều người tin mù quáng vào mê tín dị đoan?

20-02-2023 20:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều người tin vào những hiện tượng mê tín dị đoan, thậm chí tin đến mức mù quáng khiến tiền mất tật mang cũng không chịu thức tỉnh. Vậy nguyên nhân khiến con người tin vào mê tín dị đoan là gì và làm thế nào để tránh việc lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi?

Trong đời sống xã hội ta hiện nay, mê tín dị đoan được coi là hiện tượng có tính phổ biến. Nó được hiểu là con người có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ nào để chứng minh.

Thời gian gần đây, việc lợi dụng lòng tin của mọi người vào mê tín dị đoan để trục lợi từ việc xem bói, gọi hồn, như trường hợp của cô đồng "đúng nhận sai cãi" Trương Thị Hương (Hải Dương), hay bà Hoàng Thị Lựu (Thái Bình) trục lợi thông qua hình thức gọi hồn, áp vong, lên đồng... đều đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Đáng nói, nhiều người hiểu được rằng bản thân mình mê tín dị đoan, nhưng vì sao họ vẫn tin và làm theo, thậm chí đến mức mù quáng?

Vì sao nhiều người tin mù quáng vào mê tín dị đoan? - Ảnh 1.

Mê tín dị đoan khiến nhiều trường hợp rơi vào cảnh éo le, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống. Ảnh minh hoạ, nguồn Internet.

Nguyên nhân khiến con người tin vào mê tín dị đoan

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Từ xa xưa, trong nhiều tài liệu cũng đều đã nói đến những chuyện như bói toán, thần linh, ma quỷ… Nó gắn liền với đời sống, xã hội và khi nào hiện tượng này sẽ kết thúc thì không thể nào biết được.

"Mê tín dị đoan hay những hiện tượng tâm linh rất gần với nhau. Tâm lý của mọi người ảnh hưởng rất nhiều đến việc tin vào những hiện tượng này, vì có thể bản thân không tin nhưng thấy người ta nói nhiều, làm nhiều thì mình cũng sẽ làm theo. Chính bởi vậy, việc tin vào những điều mê tín dị đoan có tính chất lây lan.

Hơn nữa, thực tế trong xã hội cũng có những hiện tượng không giải thích được bằng duy lý, duy vật và về mặt khoa học. Từ đó càng làm cho người ta tin vào thần linh, thần thánh, hay một thế lực siêu nhiên nào đó sẽ quyết định cho số phận con người", PGS.TS Lê Quý Đức phân tích.

Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức, hiện nay những điều bất cập, bất hưng diễn ra khá nhiều như tai nạn giao thông, bệnh tật, ốm đau, tai ương đến bất ngờ. Hay trong điều kiện kinh tế thị trường khiến nhiều người làm ăn thất bát mà không tìm ra được nguyên nhân cụ thể… càng làm cho người ta tin vào những điều duy tâm hơn. Từ đó, tìm đến mê tín dị đoan để mong sẽ có cách giải quyết, mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân khiến con người tin vào mê tín dị đoan - Ảnh 2.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Một lý do nữa khiến con người ngày càng tin vào các hiện tượng mê tín dị đoan, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, đó là bởi công nghệ thông tin phát triển khiến cho những hiện tượng tâm linh hay mê tín dị đoan được lan truyền rất nhanh, đặc biệt là trên các mạng xã hội.

"Công nghệ hiện đại cũng có thể khiến cho nhiều người nhìn thấy được hiện tượng tâm linh trên tivi, điện thoại, qua phim ảnh, video clip,… hiện lên hình ảnh ma, quỷ, thần thánh… rất rõ nét. Mặc dù chưa biết là hiện tượng này có thật hay không nhưng chắc chắn nó sẽ làm ra tăng mức độ truyền bá, kích thích sự nhận thức của con người", nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Làm thế nào để tránh việc lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi?

Nói về việc có những người lợi dụng lòng tin vào tâm linh để trục lợi như việc tổ chức, kêu gọi xem bói, gọi vong, gọi hồn… PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, đó là do con người bị đánh vào tâm lý. Tuy nhiên, việc lập điện thờ, cầu cúng cũng không nên đồng nhất nó với tiêu cực vì nhiều khi giải tỏa được vấn đề về tâm lý sẽ giúp người ta làm được nhiều điều tốt hơn. Có những người thờ cúng là muốn tạo phúc, còn nhiều người lợi dụng tâm lý của người khác để kiếm tiền thì cần phải lên án.

"Để tránh bị người khác lợi dụng lòng tin để trục lợi thì cần phải có những biện pháp cụ thể từ quản lý nhà nước. Cơ quan chính quyền, đoàn thể, tôn giáo… cần phải giáo dục mọi người làm sao để nâng cao nhận thức, tránh hiện tượng mê tín dị đoan.

Quan trọng hơn, cần phải lành mạnh các mối quan hệ xã hội như quan hệ hôn nhân, tình yêu, gia đình, công việc…, tạo một môi trường nhân văn hơn, tốt đẹp hơn thì sẽ khiến con người giảm bớt niềm tin một cách mù quáng vào những thứ mê tín dị đoan.

Ngoài ra, bản thân mỗi người nên tự thức tỉnh, bởi nhiều trường hợp tiền mất tật mang, bỏ tiền ra để mua về những thứ đáng lo, thậm chí tăng thêm bi kịch cho bản thân và gia đình. Cần chiêm nghiệm từ những người xung quanh mình, hay chính bản thân mình để ứng xử trước những vấn đề này", nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Cô Đồng Lập Điện Thờ Lên Đồng, Gọi Hồn, Áp Vong Bị Phạt 3 Triệu Vì Hành Nghề Mê Tín Dị Đoan - SKĐS


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn