Vì sao nhiều bệnh viện vẫn chưa "mặn mà" với bệnh án điện tử?

31-12-2020 11:42 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Rất nhiều lợi ích mà người bệnh sẽ được thụ hưởng từ bệnh án điện tử, song đến nay sau hơn 1 năm triển khai, cả nước mới có 10 bệnh viện triển khai được bệnh án điện tử. Các chuyên gia cho rằng con số này còn rất khiêm tốn so với tổng số bệnh viện của cả nước.

10 bệnh viện, 1 phòng khám "khai tử" bệnh án giấy

ThS. Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, với bệnh án điện tử, mỗi người dân sẽ có một mã số quản lý riêng được lưu trữ trong hồ sơ bệnh án ở bệnh viện. Từ đó, khi đến bệnh viện để khám, chữa bệnh, người dân không phải cầm theo bệnh án giấy như trước, các bác sĩ sẽ nắm được đầy đủ thông tin cá nhân của người bệnh về tình hình sức khoẻ, tiền sử bệnh tật… để chủ động trong công tác khám, chữa bệnh.

Khi bệnh án điện tử được triển khai, người dân không chỉ loại bỏ sự lo lắng do làm mất kết quả xét nghiệm mà còn được hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính hoặc bệnh lý có nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng/hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim…

Không chỉ vậy, người cao tuổi còn có thể dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ bằng bệnh án điện tử.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 10 bệnh viện và 1 phòng khám triển khai bệnh án điện tử. 10 bệnh viện đã tiên phong triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang; Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh; Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; Bệnh viện Bãi Cháy; Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh; Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Các đơn vị này cũng vừa được tôn vinh là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số y tế năm 2020 tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế Quốc gia diễn ra ngày 29-30/12/2020.

Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, y tế là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất.

Theo PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc BVĐK Nông nghiệp, khi chưa có bệnh án điện tử, mỗi lần đi khám bệnh nhân viên y tế phải đẩy nguyên cái xe có khoảng 50 hồ sơ bệnh án giấy của bệnh nhân đi theo, còn giờ bác sĩ, điều dưỡng chỉ cầm cái Ipad, đến bệnh nhân nào nhập mã số bệnh nhân đó và thao tác trên máy luôn nên rất thuận tiện, tất cả thông tin diễn biến bệnh, phương pháp điều trị, các kết quả cận lâm sàng như siêu âm, xét nghiệm, chụp phim… đều được lưu trên bệnh án điện tử và có thể xem lại bất kỳ lúc nào cần, mà không phải gọi điều dưỡng tìm kiếm như lưu ở bệnh án giấy.

Một điều thuận tiện nữa là bệnh án điện tử sẽ lưu lại tất cả thông tin điều trị của bệnh nhân trong đợt nằm viện đó, nếu lần sau bệnh nhân nhập viện, bác sĩ chỉ cần nhập mã bệnh án là các thông tin hiện ra, giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong chẩn đoán điều trị.

Còn với người bệnh, khi đến bệnh viện khám chữa bệnh không phải mang sổ khám bệnh, các giấy tờ xét nghiệm, chụp phim, hay toa thuốc… đã điều trị trước đây, vì tất cả đều được lưu trong bệnh án điện tử, bác sĩ sẽ cập nhật được tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, từ đó sẽ có phương án điều trị thích hợp.

"Năm 2020, bệnh viện có khoảng 30.000 bệnh nhân nội trú và 500.000 lượt khám chữa bệnh, điều này đòi hỏi phải bố trí một kho lớn để lưu trữ, bảo quản hồ sơ bệnh án giấy và tốn rất nhiều chi phí in ấn phim, các kết quả siêu âm, xét nghiệm cũng như mua sắm văn phòng phẩm để ghi bệnh án giấy. Khi triển khai bệnh án điện tử đã giúp loại bỏ nhiều công đoạn trong khám chữa bệnh, tiết kiệm nguồn chi phí rất lớn do không phải mua bệnh án giấy, in ấn… và tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y, bác sĩ, hướng tới việc điều trị hiệu quả và chất lượng" PGS. Tùng cho hay.

Lý giải nguyên nhân

Thực tế, mặc dù bệnh án điện tử đã được triển khai hơn 1 năm, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nhưng nhiều bệnh viện lại chưa “mặn mà”. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tổng cộng 1.332 bệnh viện gồm: 47 bệnh viện trung ương, 419 bệnh viện tỉnh; 684 bệnh viện huyện và 182 bệnh viện tư. Rõ ràng, 10 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử là một con số rất ít ỏi so với tổng số bệnh viện trên cả nước.

Lý giải nguyên nhân khiến tốc độ triển khai bệnh án điện tử ở các bệnh viện chậm trễ, ông Nguyễn Trường Nam nhận định: Từ trước tới nay, các bệnh viện đều thực hiện theo một quy trình khám, chữa bệnh cố định, theo thói quen, truyền thống. Khi bệnh án điện tử đi vào bệnh viện, mọi hoạt động, quy trình của bệnh viện đều bị tác động.

"Mỗi bệnh viện đều phải chịu trách nhiệm bao quát mọi hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày, đồng thời, thực hiện tốt việc tự chủ, nuôi sống được các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế. Áp lực tự chủ bệnh viện cùng việc đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân đã khiến không ít bệnh viện có tâm lý dè dặt, thực hiện bệnh án điện tử chỉ để thăm dò. Điều này đã khiến tốc độ triển khai bệnh án điện tử bị chậm" - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chỉ rõ.

Chuyển đối số để chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người dân.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính gồm: khám, chữa bệnh thông minh; dự phòng, chăm sóc sức khoẻ thông minh và quản trị y tế thông minh. Khi người dân đến bệnh viện sẽ được đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến, không phải xếp hàng dài chờ đợi, tránh tình trang quá tải bệnh viện, gây ức chế.

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ sử dụng mã định danh – mã BHXH của người dân để các cơ sở y tế nắm được thông tin cơ bản của người dân. Cùng với đó, sắp tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt…

Như vậy, việc chuyển đổi số trong bệnh viện sẽ tạo ra một quy trình khép kín từ lúc bệnh nhân tới bệnh viện đến khi người bệnh khỏi bệnh hoàn toàn góp phần chăm sóc sức khoẻ toàn diện, tăng sự hài lòng cho người dân.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn