Theo GS. TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học Học viện Quân y, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chúng ta. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chức năng của cơ thể đều giảm đi trong giấc ngủ sâu, nhờ đó mà cơ thể có điều kiện điều hòa lại quá trình chuyển hóa. Nếu con người không được ngủ trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn định hướng, ảo giác và hoang tưởng, nguy hiểm hơn có thể bị các rối loạn nhận thức nặng nề và cuối cùng dẫn đến tử vong.
Mất ngủ không chỉ ở người già
Theo các chuyên gia, nhiều người có quan niệm người già ngủ ít và dễ bị mất ngủ tuy nhiên điều này không hẳn đúng. GS Đức cho rằng, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng từ trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi nhu cầu ngủ là 14-17 tiếng trong 1 ngày. Từ 3 tháng-12 tháng nhu cầu ngủ của bé là 13-15 tiếng. Cho đến tuổi 18 thì nhu cầu ngủ là 7-9 tiếng. Còn tuổi trưởng thành từ 18-65 thì nhu cầu ngủ là 7-8 tiếng. Nhưng từ trên 65 tuổi thì nhu cầu ngủlà 6-7 tiếng mỗi người. Như vậy có thể nói nhu cầu ngủ ở lứa tuổi là khác nhau nếu tình trạng ngủ ít hơn, khó ngủ nghĩa là đã có vấn đề về rối loạn giấc ngủ.
GS. TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học Học viện Quân y, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103.
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc có những hiện tượng bất thường trong giấc ngủ… do các bệnh lý thực thể hoặc mà không tìm thấy yếu tố bệnh lý gây nên. Rối loạn giấc ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần… Tình trạng mất ngủ kéo dài làm bệnh nhân lo lắng, sợ hãi thậm chí trầm cảm và hậu quả là càng mất ngủ hơn. Không chỉ thế, rối loạn giấc ngủ còn có đặc điểm là dai dẳng, khó chữa và dễ tái phát.
Chia sẻ về tình trạng rối loạn giấc ngủ Ths.BS Hoàng Khánh Toàn- Chủ nhiệm Khoa Đông Y, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 cũng cho rằng, có thể nói hiện nay tình trạng rối loạn giấc ngủ là căn bệnh hiện đại, không chỉ người già mất ngủ mà còn có cả người trẻ 20-30 tuổi đã mắc rối loạn giấc ngủ. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó do đời sống tinh thần, công việc căng thẳng mắc stress lớn là yếu tố lớn. Thứ hai là do ăn uống quá lạm dụng chất kích thích: rượu, bia, cà phê... ngoài ra số người rối loạn giấc ngủ do tình trạng mắc các bệnh lý mà người trẻ mắc phải như: tăng axit uric, mỡ máu, đái tháo đường.... khi mắc các bệnh này chúng ta sử dụng thuốc có thể gây mất ngủ.
Những hệ lụy
GS. Đức, mất ngủ ảnh hưởng nhiều đến đời sống của con người, nếu mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đầu tiên là đến tâm lý, dễ cáu gắt, bực bội, trí nhớ giảm, tập trung chú ý giảm, mệt mỏi, năng suất chất lượng công việc, học tập giảm sút; mất thăng bằng, dễ té ngã, lái xe không an toàn; mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường; nguy cơ bị viêm nhiễm cao; tăng nguy cơ bị ung thư... ngoài ra mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc; giảm thích ứng trong cuộc sống; có thể bị đột quỵ não; có nguy cơ bị đột tử trong đêm...
Theo Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, nếu mất ngủ dù là 1 đêm thì hôm sau ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Với một số người khi mất ngủ kéo dài có thể gây ra các tai biến: thiểu năng mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xuất huyết não... nếu chúng ta không giải quyết tốt ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Mất ngủ là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nếu không giải quyết tốt. Ở thanh niên nếu tình trạng mất ngủ dễ đưa thanh niên đến trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Điều trị thế nào?
Để điều trị mất ngủ thì cần phải tìm ra được nguyên nhất gây mất ngủ. Có nhiều phương pháp trong đó ở một số bệnh nhân chỉ cần luyện tập và có các liệu pháp tâm lý là có thể giải quyết được tình trạng rối loạn giấc ngủ. Có trường hợp có thể sử dụng thuốc đông y hoặc sở dụng thuốc chống trầm cảm nhiều nhóm khác nhau, do vậy cũng các bác sĩ cũng cần thăm khám cụ thể để cho đơn thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, người bệnh được yêu cầu gạt bỏ tất cả các vấn đề trước khi đi ngủ. Nếu sau 5 phút lên giường nằm mà vẫn không ngủ thì nên ngồi dậy, ra khỏi giường và làm một việc gì đó. Đôi khi, cần thay đổi giường ngủ hay phòng ngủ. Nếu cảm thấy căng cơ thì cần phải làm các biện pháp thư giãn. Liệu pháp tâm lý ít kết quả cho mất ngủ. GS. Đức nhấn mạnh.
Theo Ths, Toàn để điều trị mất ngủ theo quan điểm của YHCT là biện chứng luận trị, tùy người dùng, tùy lúc mà dùng, tùy thời mà dùng. Cần theo mạch, chứng mà kê thuốc. Khi bị mất ngủ, chúng ta có thể sử dụng các vị thuốc dân gian dùng chung cho mọi người. Lạc tiên (vị thuốc nam phổ biến) từ xưa cha ông ta đã dùng khi mất ngủ, chóng mặt có thể hãm để uống. Lá vông nem không chỉ là dược liệu mà còn là thực phẩm, có thể dùng lá nấu canh ăn (nấu suông, nấu với thịt nạc); Củ bình vôi có thể chiết xuất là chất an thần rất tốt; Nữ lang là thảo dược, ở nước ta nghiên cứu chưa nhiều nhưng là người nước ngoài nghiên cứu nhiều, vừa giải độc, an thần, bổ tâm là vị thuốc khi nói đến mất ngủ là sử dụng ngoài ra còn có: liên nhục, hoài sơn. Các vị thuốc trên là có tác dụng an thần, bổ tâm mà không như tân dược dùng độc chất hoặc nhị chất còn thuốc y học cổ truyền có tác dụng an thần, tĩnh tâm, bổ dưỡng sức khỏe cho nên thuốc y học cổ truyền khác tây y như vậy. Thuốc YHCT ít tác dụng phụ và có tính chất nâng cao sức khỏe. Có thể tác dụng chậm nhưng bền vững và không lạm dụng thuốc tân dược. BS Toàn chia sẻ thêm.