Vì sao người dân 'vàng mắt' tìm mua, chung cư vẫn 'ế'?

24-11-2023 11:50 | Thị trường
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, dù nhu cầu về chung cư hiện đang ở mức cao nhưng do thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm căn hộ phân khúc cao cấp khiến tình trạng 'lệch pha' cung cầu vẫn diễn ra trên thị trường bất động sản.

Hiệp Hội bất động sản TP. HCM vừa có báo cáo thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2023, theo đó ghi nhận thị trường cả nước tiếp tục "lệch pha" trong cung cầu. Dù nhu cầu mua căn hộ chung cư của người dân vẫn ở mức cao nhưng thanh khoản thị trường lại ở mức khiêm tốn. Điều này tới từ việc số lượng căn hộ chưng cư tầm trung hiện khá ít trên thị trường khiến nhiều khách hàng gặp khó khi tiếp cận sản phẩm này.

Theo báo cáo, hiện thị trường rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là mức căn hộ có mức giá trung bình dưới 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay tại các dự án, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Theo các chuyên gia, do nhiều yếu tố (lạm phát, cán cân cung cầu, triển vọng kinh tế,...) đã đẩy giá nhà lên cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều người dân.

Vì sao người dân 'vàng mắt' tìm mua, chung cư vẫn 'ế'?- Ảnh 1.

Nhiều chủ đầu tư định hướng sản phẩm căn hộ cao cấp khiến khách hàng gặp khó trong khâu tiếp cận.

Anh Nguyễn Quang Huy (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù đã tiết kiệm được một khoản tiền hơn 2 tỷ đồng, nhưng ý định mua chung cư sau thời gian dài thuê nhà dường như vẫn tiếp tục phải trì hoãn khi mức giá chung cư hiện vẫn ơ mức cao.

"Số tiền này không đủ để mua chung cư ở nội thành do mặt bằng giá hiện đã ở ngưỡng trên 30 triệu đồng/m2. Chúng tôi có tìm kiếm tại một số khu vực xa trung tâm như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm thì tầm tiền này chỉ mua được chung cư cũ, không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi mức lãi suất cho vay tại ngân hàng ở mức vượt quá khả năng nên đành tiếp tục thuê nhà thời gian tới", anh Huy chia sẻ.

Theo ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty Bất động sản Crow Land, chung cư luôn là sản phẩm được phần đông khách hàng quan tâm vì đây là một trong những sản phẩm có mức giá phù hợp mà người dân có thể chi trả. Tuy nhiên, trước đây các căn hộ có giá dao động từ 2 - 3 tỷ đồng đã tăng lên 3,5 - 6 tỷ đồng, điều này đã gây khó cho việc tiếp cận của khách hàng.

"Nhà ở thương mại vừa túi tiền người dân sẽ ở mức giá từ 25 - 35 triệu đồng/m2, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện nhu cầu vẫn rất lớn. Thế nhưng sản phẩm nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại bình dân hiện rất ít, gần như không có trên thị trường. Trong khi các sản phẩm cao cấp rất nhiều nhưng lại không phù hợp với túi tiền người dân", ông Việt nhận định.

Đồng quan điểm như trên, trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho biết, do lượng căn hộ tầm trung và bình dân gần như "vắng bóng" trên thị trường khiến phân khúc chung cư ngày càng gặp khó trong tiếp cận nhu cầu khách hàng. Chính điều này đã tạo ra sự "lệch pha" trong cung cầu thị trường bất động sản.

Theo ông Thanh, dù nền kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu thị trường về căn hộ chung cư hiện đang ở mức tốt. Tuy nhiên, dù nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đã chuyển biến tích cực nhưng sản phẩm lại chưa đa dạng để phục vụ số đông. Hiện các sản phẩm trên thị trường phần đa đều hướng đến phân khúc cao cấp với giá thành cao khiến cung cầu khó gặp được nhau, giảm tính thanh khoản của thị trường.

"Căn hộ chung cư luôn là sản phẩm có thanh khoản tốt, được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm tầm trung ở mức giá 30 triệu đồng/m2 rất hiếm, mức giá 25 triệu đồng/m2 gần như không có. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư căn hộ cao cấp với giá thành cao khiến người mua gặp khó. Một sản phẩm tốt đưa ra thị trường nhưng không thanh khoản được thì ngược lại rất rủi ro cho doanh nghiệp", ông Thanh cho biết.

Về "nghịch lý" trong thị trường bất động sản, dù khó bán nhưng giá không giảm hoặc giảm ít, đặc biệt là phân khúc căn hộ để ở, ông Thanh cho rằng, do các chủ đầu tư định hướng từ đầu sản phẩm cao cấp khiến chi phí đầu tư cao, chưa kể đến một vài chủ đầu tư mua lại dự án từ người khác khiến việc giảm giá thành là khá khó.

Theo ông Thanh, dù thị trường bất động sản đã bước qua giai đoạn khó khăn nhưng về dài hạn, cần tìm ra giải pháp để thị trường phát triển một cách bền vững, làm sao để cung cầu có thể gặp nhau và tạo thanh khoản cho thị trường. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng người dùng.

Theo Báo cáo của Hiệp Hội bất động sản TP. HCM, trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TP có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn. Trong đó phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,37% (cao hơn tỷ lệ 58% của cả nước) phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, giao dịch bất động sản vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo, đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Xem thêm video được quan tâm:

Chân dung “ông trùm” điều hành băng nhóm chuyên đòi nợ thuê cho các ngân hàng, cty tài chính | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn