Hà Nội

Vì sao người cao tuổi và người bệnh mạn tính cần tiêm phòng cúm mỗi năm?

17-05-2021 19:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Các nghiên cứu cho thấy việc tiêm vắc xin cúm mùa giúp giảm từ 30% đến 57% nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm và viêm phổi ở những người lớn tuổi (1) , giảm 79% nguy cơ nhập viện ở người mắc bệnh tiểu đường (2) và giảm các biến chứng tim mạch ở người bị tim mạch (3) .

Phân biệt cúm mùa và cảm lạnh

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc nhổ.

Cúm mùa nguy hiểm ở chỗ, nó khiến mọi người chủ quan. Chỉ với vài triệu chứng phổ biến như ho, hắt hơi, cúm mùa dễ làm chúng ta lầm tưởng như cảm lạnh thông thường.

Khi nhiễm virus cúm, sau 2-4 ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ rồi tăng cao, có khi lên đến 39-40 độ C, kèm theo ớn lạnh, rét run, nhức đầu, choáng váng, đau mỏi toàn thân, đau họng, nhức ở hốc mắt. Trong khi đó, các triệu chứng của cảm lạnh thường nhẹ hơn như hắt hơi, đau họng và có thể chảy nước mũi.

image001

Dấu hiệu tương tự, nhưng cúm mùa nguy hiểm hơn cảm lạnh, có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. (Ảnh minh họa)

Thực tế, nếu mắc cúm nhẹ, các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần nhưng trong một số trường hợp cúm có diễn tiến thành ác tính. Lúc này, người bệnh thường sốt rất cao, tức ngực, khó thở, chụp phim phổi có thể thấy hình ảnh tổn thương phổi tiến triển nhanh, xuất hiện tình trạng viêm cơ tim, suy hô hấp, thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hơn nữa, virus cúm thường thay đổi hàng năm. Đôi khi, việc thay đổi kháng nguyên bề mặt của virus cúm có thể dẫn tới những ảnh hưởng nặng hơn về mặt lâm sàng cho người bệnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến số lượng người nhiễm bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Những đối tượng nào phải tiêm vắc xin cúm mùa mỗi năm?

Trong các bệnh đường hô hấp thì cúm mùa được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi. Những thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số những trường hợp tử vong liên quan tới cúm có tới 70-85% là người trên 65 tuổi, 50-70% trong tổng số trường hợp phải nhập viện cũng rơi vào nhóm người này(4).

Điều này có thể lý giải, khi càng lớn tuổi hệ miễn dịch càng suy giảm, hàng rào bảo vệ mỏng manh khiến cơ thể dễ bị virus cúm tấn công, đến lúc không đủ sức “chiến đấu” thì cúm mùa có cơ hội gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài vấn đề tuổi tác, người lớn tuổi thường mắc kèm nhiều bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường, hô hấp (hen suyễn, COPD), … Đây đều là những tác nhân khiến họ phải nhập viện nhiều hơn khi nhiễm cúm.

image002

Đừng nghĩ rằng cúm mùa là căn bệnh “xoàng xĩnh”, chóng lành như cảm lạnh, hãy trả nó về đúng vị trí và nên dè chừng hơn để tìm hiểu về các biện pháp dự phòng tốt nhất. (Ảnh minh họa)

Cúm mùa có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn tiến rất nhanh và dễ nhầm lẫn với bệnh lý lành tính khác là cảm lạnh khiến nhiều người chủ quan. Đặc biệt, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, hô hấp) là những đối tượng cần phải được tiêm vắc xin cúm mùa hằng năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.

Lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho các đối tượng nguy cơ cao

Để phòng tránh nhiễm cúm mùa và các biến chứng do cúm, có một cách đơn giản và hiệu quả, đó là tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy ở những người lớn tuổi sống tại nhà, việc tiêm vắc xin cúm mùa giúp giảm từ 30% đến 57% nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm và viêm phổi. Những người cao tuổi sống trong nhà dưỡng lão, việc tiêm vắc xin cúm ngăn ngừa 68% tử vong do biến chứng nặng của bệnh cúm(5).

image003

Một mũi tiêm vắc xin cúm hàng năm giúp người lớn tuổi tránh các biến chứng do cúm mùa. (Ảnh minh họa)

Cơ thể mất khoảng 2 tuần để tạo ra các kháng thể bảo vệ sau khi tiêm phòng cúm. Do đó, không nên đợi khi trời trở lạnh, thời tiết thay đổi mới bắt đầu tiêm ngừa cúm. Lý tưởng nhất vắc xin phòng cúm nên được tiêm càng sớm càng tốt, trước khi mùa cúm bắt đầu. Các nước nhiệt đới như nước ta, cúm thường bùng phát và tăng mạnh vào tháng 3, 4, 5 và tháng 7, 8. Nên tiêm ngừa trước thời gian này để cơ thể hình thành kháng thể chống lại virus cúm tốt nhất.

Nhiều người hiện có tâm lý sợ các phản ứng sau tiêm vắc xin. Nhất là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, việc chọn lựa đúng loại vắc xin là vô cùng cần thiết để tránh các phản ứng không mong muốn. Hiện nay tại các cơ sở y tế đã có loại vắc xin cúm tiểu đơn vị, an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.

Đồng thời, với loại vắc xin này, các thành phần kháng nguyên sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi mỗi năm và có thể tiêm đồng thời với các loại vắc xin khác mà không gây tương tác.

Mỗi năm một mũi tiêm vắc xin cúm không chỉ bảo vệ chúng ta ngừa bệnh cúm mà còn phòng tránh các biến chứng do cúm mang lại.

Giới thiệu talkshow

Chia sẻ từ chuyên gia về “Ảnh hưởng của cúm mùa lên người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính – vai trò của vắc xin cúm mùa”

Với mục đích cung cấp kiến thức, thông tin bổ ích và thiết thực về bệnh cúm và cách phòng bệnh trên các đối tượng nguy cơ cao, buổi talkshow với sự góp mặt của các bác sĩ chuyên gia đầu ngành với đề tài “Ảnh hưởng của cúm mùa lên người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính – vai trò của vắc xin cúm mùa”.
Chương trình sẽ phát sóng vào ngày 27/05/2021 lúc 20h trên Youtube, Fanpage
AloBacsi và fanpage VTV24H

Nguồn:

(1); (5): Theo acpjournals.org

(2); (3): Theo ncbi.nlm.nih.gov

(4): Theo cdc.gov


Ý kiến của bạn