Hà Nội

Vì sao người cao tuổi hay bị còng lưng?

SKĐS - Ba tôi năm nay 72 tuổi. Gần đây, tôi thấy ba đứng lưng bị còng xuống nhiều, đi lại cũng thế. Xin hỏi căn nguyên của tình trạng này và có cách nào khắc phục không, thưa bác sĩ?

Nguyễn Bình (Hải Phòng)

Còng lưng (gù) xảy ra khi thân đốt sống, đặc biệt là phần trước bị xẹp hoặc tiêu hủy khiến cho cột sống bị xẹp về phía trước. Gù có hai loại: gù đều và gù nhọn. Gù nhọn thường là di chứng sau các bệnh viêm đốt sống do vi khuẩn (lao, tụ cầu...).  Gù đều thường là hậu quả của một bệnh toàn thể như viêm cột sống dính khớp, gù thiếu niên Scheuermann do loạn dưỡng đốt sống... Loại mà chúng ta thường gặp ở những người trên 70 tuổi, gù đều cả một đoạn, thường là đoạn lưng - thắt lưng. Người bệnh có khi còng rạp xuống, xương sườn cuối sát vào xương chậu khiến cho họ rất mỏi khi đứng lâu, ngồi lâu. Nhưng nếu mỏi quá, người bệnh có thể đứng vươn thẳng lên được một lúc do các đốt sống không bị dính. Đây là hậu quả của việc mất chất xương (canxi) quá nhiều ở người già, các đốt sống trở nên xốp hơn, mềm hơn và dễ bị lún, bị gãy. Khi chất xương mất trên 30% mức bình thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau, gù cột sống… Chính vì vậy, người cao tuổi cần được bồi phụ canxi thường xuyên, uống bổ sung vitamin D và canxi hằng ngày để cột sống chắc khỏe. Ăn nhiều thức ăn giàu các chất chống oxy hóa như vitamin C và E có nhiều trong các loại rau, quả. Luôn giữ tư thế đúng ngay cả khi nằm ngủ, ngồi, đứng. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, chống loãng xương, giúp cho sụn khớp phát triển. Có thể đi bộ, tập thái cực quyền, khi ngủ không nên kê gối quá cao.

BS. Hoàng Long


Ý kiến của bạn