Cân nặng quá mức dễ mắc ung thư
Cơ quan Y tế công cộng Anh (Public Health England- PHA) cho biết họ đang làm việc với các ngành công nghiệp thực phẩm để giảm lượng đường trong các sản phẩm. Bởi đã có bằng chứng cho thấy cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư và đóng góp hơn 18.000 ca ung thư mỗi năm ở UK.
Phụ nữ béo dễ ung thư vú và tử cung
Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Anh Quốc (CRUK), đã khảo sát trực tuyến hơn 3.000 người trên khắp nước Anh cho thấy thông điệp về nguy cơ sức khỏe của người thừa cân đã không được chuyển tải đến khắp cộng đồng. Vì thế chưa đầy 1/3 số người biết về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư vú hay ung thư tử cung; hơn một nửa không biết bệnh ung thư tuyến tụy có liên quan đến béo phì. Trong khi kết quả nghiên cứu cho thấy: 40% ung thư tử cung có liên quan đến béo phì.
40% số ca ung thư tử cung có liên quan đến béo phì
Số ca ung thư liên quan đến thừa cân hoặc béo phì ở nước Anh mỗi năm bao gồm: ung thư ruột 5.400 ca; ung thư vú 4.300 ca; ung thư tử cung 2.900 ca; ung thư thận 2.400 ca. Tuy nhiên trong cuộc khảo sát cho thấy: đàn ông ít có nhận thức về nguy cơ gia tăng của ung thư do béo phì so với phụ nữ và những người xuất thân nghèo khổ ít có khả năng biết về mối liên quan này. Béo phì là khi chỉ số BMI hoặc chỉ số khối cơ thể trên 30.
Phòng tránh béo phì
Theo CRUK có 10 cách để giữ số cân nặng hợp lý, khỏe mạnh trong đó việc ăn nhiều bữa nhỏ và uống nước lọc thay vì các loại nước ngọt hay rượu là biện pháp hữu hiệu.
TS. Helen Croker, chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu lâm sàng tại Đại học College, London cho biết: việc giảm cân đặc biệt khó khăn khi những người béo phì phải đối mặt với sự kỳ thị. Bà nói: "Điều bất hạnh là nhiều người bị phân biệt đối xử có thể dẫn đến sự thiếu tôn trọng và chăm sóc sức khỏe kém hơn". Trách nhiệm của chính phủ là làm cho công chúng hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư. Alison Cox, Giám đốc phòng béo phì tại CRUK nói: "Chính phủ thừa nhận việc tiếp thị đồ ăn vặt cho trẻ em là một vấn đề và đã loại bỏ các quảng cáo trong chương trình của trẻ em, chúng ta cũng cần phải nhìn thấy những hạn chế này trong thời gian gia đình xem truyền hình trước 21giờ. TS. Alison Tedstone-chuyên gia dinh dưỡng tại PHA cho biết họ đã đưa ra một chương trình để ngành công nghiệp thực phẩm loại bỏ ít nhất 20% lượng đường trong các sản phẩm của họ vào năm 2020. Bà nói: "Mối liên hệ giữa béo phì và ung thư cho thấy tầm quan trọng trong việc làm thế nào phải cắt giảm lượng calo, đường và chất béo bão hòa để duy trì một trọng lượng khỏe mạnh".
Vì sao béo phì dễ ung thư ?
Đến nay, mối liên hệ giữa béo phì và ung thư vẫn chưa được biết rõ , nhưng các nhà chuyên môn đưa ra 3 giả thuyết chính: một là, do có nhiều chất béo trong cơ thể làm tăng nồng độ hormon giới tính như estrogen, đối với phụ nữ sau khi mãn kinh chất béo sẽ trở thành nguồn chính của estrogen và ở những người thừa cân điều này có thể làm cho các tế bào nhân lên nhanh chóng hơn trong vú và tử cung làm tăng nguy cơ ung thư ở các cơ quan này; hai là quá nhiều chất béo có thể làm tăng mức insulin, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn dễ gây quá sản và ung thư; ba là, béo phì có thể dẫn đến các mô bị viêm giúp gia tăng và lây lan của bệnh ung thư.
Estrogen tăng cao ở người béo phì là nguyên nhân gây ung thư vú và tử cung
Lời khuyên của bác sĩ
- Làm sao biết mình bị béo phì ?
Nói đến béo phì là nói đến cân nặng quá mức. Dân gian thì dựa vào việc nhìn và sờ thấy: mặt tròn, má phính sệ, cằm có ngấn mỡ, bụng phệ, có nhiều ngấn mỡ, dùng tay véo da lên thấy lớp mỡ dưới da dày…
Người béo phì có chỉ số BMI trên 30
Theo khoa học thì tính cân nặng theo chiều cao bằng chỉ số BMI. Cách tính chỉ số BMI dành cho người trưởng thành trên 18 tuổi như sau:
BMI = cân nặng (kg) / chiều cao (m) bình phương. Phân tích kết quả: bình thường từ 18,5-23; thừa cân 23-30; béo phì độ1: 30-35, độ 2 : 35-40, độ 3: trên 40. Ngoài ra người ta còn dùng các phương pháp: đo tỉ lệ mỡ bằng cân đo mỡ, đo các nếp gấp da, cân trong nước...; đo tỉ lệ eo/mông: > 0,85 ở nữ và > 0,95 ở nam; đo vòng bụng tuyệt đối : 80cm ở nữ và 90cm ở nam.
Cần kiểm tra cân nặng hàng năm để phòng tránh béo phì
- Tránh béo phì cách nào?
Muốn tránh béo phì bạn cần thực hiện các biện pháp sau đây: hạn chế hay bỏ hẳn thói quen sử dụng các loại thức ăn có năng lượng cao như đồ ăn nhanh; nên ăn uống lành mạnh, ăn ít chất bột (cơm, phở, mì, bún, cháo, bánh mì bánh ngọt…), ăn nhiều rau và trái cây, không uống rượu bia, không ăn quá ngọt; phụ nữ sau sinh, nên cho con bú sữa mẹ để tránh béo phì; năng hoạt động thể lực đều đặn hàng ngày…
Ăn uống lành mạnh và luyện tập phòng tránh béo phì