Vì sao người bệnh mạn tính không nên tự ý thay đổi thuốc?

08-02-2024 07:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... thường phải dùng thuốc để điều trị lâu dài, và có sự theo dõi của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý thay đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

1. Nguyên nhân người bệnh mạn tính tự ý thay đổi thuốc

Bệnh mạn tính là những bệnh tiến triển kéo dài và hay tái phát. Tỷ lệ người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, bệnh xương khớp, các bệnh mạn tính về đường hô hấp… ngày càng có xu hướng trẻ hóa và gia tăng.

Mặc dù không chữa khỏi được hoàn toàn nhưng việc sử dụng thuốc hợp lý, có thể giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm các biến chứng liên quan đến bệnh và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Vì sao người bệnh mạn tính không nên tự ý thay đổi thuốc?- Ảnh 1.

Các bệnh mạn tính thường gặp bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh xương khớp...

Nguyên nhân người bệnh mạn tính tự ý thay đổi thuốc là do:

- Không nhận thấy hiệu quả điều trị rõ rệt trong thời gian ngắn, nên nghi ngờ về tác dụng của thuốc điều trị.

- Thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm bỏ thuốc tây đang sử dụng chuyển sang dùng các phương pháp điều trị không chính thống khác.

- Người bệnh không có đủ năng lực tuân thủ và tự quản lý thuốc, cũng như chưa hiểu rõ tác dụng, tác dụng phụ của thuốc nên có thể tự ý thay đổi thuốc hoặc ngừng thuốc.

- Cho rằng uống thuốc lâu ngày không tốt cho gan thận nên thấy đỡ hơn thì ngừng uống thuốc...

2. Hậu quả khi người bệnh mạn tính tự ý đổi thuốc thường xuyên

Điều trị các bệnh mạn tính là một quá trình lâu dài. Vì vậy, chấp nhận bệnh, tuân thủ chỉ định của bác sĩ, uống thuốc và theo dõi thường xuyên là những cách cơ bản để kiểm soát bệnh. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có phản ứng bất thường người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Vì sao người bệnh mạn tính không nên tự ý thay đổi thuốc?- Ảnh 2.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính người bệnh cần điều trị bằng thuốc

Nếu người bệnh mạn tính tự ý đổi thuốc có thể gây ra một số hậu quả:

- Ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh: Mặc dù tất cả các loại thuốc, bất kể giá thành, đều phải vượt qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn, chất lượng và hiệu quả, nhưng cũng có những khác biệt nhỏ về sinh khả dụng giữa các loại thuốc do các nhà sản xuất khác nhau sản xuất, điều này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ và tác dụng của thuốc.

Khi tự ý đổi nhãn hiệu thuốc cũng có thể gặp phải trường hợp loại thuốc thay đổi có hàm lượng thuốc không giống như thuốc cũ (nhỏ hơn hoặc lớn hơn). Nếu uống không đủ liều lượng thuốc sẽ không kiểm soát được bệnh. Nếu liều lượng thuốc quá cao người bệnh dễ gặp các tác dụng phụ do quá liều. Vì vậy, người bệnh mắc bệnh mạn tính không nên tự ý thay đổi nhãn hiệu thuốc, nếu thực sự cần thay đổi thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ và điều chỉnh liều lượng nếu cần thiết.

- Gặp phải tác dụng phụ do ngừng thuốc đột ngột: Nếu đã dùng một loại thuốc nào đó trong thời gian dài, việc thay đổi thuốc đột ngột cũng có thể làm tăng tác dụng phụ (tác dụng phụ do ngừng dùng thuốc).

- Tăng nguy cơ dị ứng: Mặc dù thành phần hoạt chất chính của thuốc giống nhau nhưng tá dược của các nhãn hiệu thuốc khác nhau có thể khác nhau như chất độn, chất liên kết… Chuyển sang nhãn hiệu thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ gây dị ứng.

Vì vậy, không khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tự ý chuyển đổi thuốc. Nếu có triệu chứng khó chịu thì nên đi khám ngay, ngoài việc uống thuốc đúng liều, nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát an toàn thuốc.

Bên cạnh việc dùng thuốc thì chìa khóa để kiểm soát bệnh là lối sống lành mạnh. Điều này có thể đạt được bằng cách: Không hút thuốc, thực hiện các hoạt động thể chất tùy theo tình trạng sức khỏe cho phép, bỏ rượu, ăn uống tốt, duy trì cân nặng khỏe mạnh và ngủ đủ giấc...

7 cách giúp người bệnh mạn tính tuân thủ dùng thuốc7 cách giúp người bệnh mạn tính tuân thủ dùng thuốc

SKĐS - Ngày Tết là khoảng thời gian dễ làm đảo lộn nhiều nếp sinh hoạt thường ngày, trong đó có việc tuân thủ dùng thuốc. Đâu là cách giúp người bệnh tuân thủ dùng thuốc?

Mời xem thêm video được quan tâm:

Phòng bệnh hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh.

DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn