Vì sao người bạch tạng Đông Phi bị săn lùng lấy nội tạng?

17-05-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Không chỉ có đói nghèo, chiến tranh và bệnh tật, nhiều quốc gia ở Ðông Phi hiện đang phải đối phó với một dạng tội phạm mới...

Không chỉ có đói nghèo, chiến tranh và bệnh tật, nhiều quốc gia ở Ðông Phi hiện đang phải đối phó với một dạng tội phạm mới, săn lùng nội tạng người bệnh bạch tạng. Những kẻ bất nhân đã giết bất cứ ai nếu là bạch tạng, nhất là trẻ em, thậm chí còn đào cả mồ mả người chết đem bán như một món hàng đắt giá ngoài chợ đen.

Nạn nhân phần lớn là trẻ em

Theo tờ Daily Mail của Anh số ra trung tuần tháng 4/2015, hàng loạt vụ sát hại những người bị bệnh bạch tạng diễn ra liên tiếp tại khu vực Đông Phi như Malawi, Tanzania và Burundi. Chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây, đã có 15 người, chủ yếu là trẻ em, bị bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại, sau đó bị chặt thây, lấy chân tay, hộp sọ để dùng cho các nghi lễ ma thuật. Các bộ phận này được giới phù thủy, tà thuật định giá rất cao với niềm tin mang lại may mắn, giàu sang và trường thọ...

Bé trai bạch tạng người Malawi đang được cha mẹ trông coi từng bước.

Truyền thông Malawi trích dẫn lời ông Lexen Kachama - Tổng Thanh tra cảnh sát quốc gia cho biết, cách đây hơn 1 tháng, cảnh sát đã bắt quả tang một người đàn ông đang siết cổ một bé trai bạch tạng 16 tuổi. Tại Malawi, 6 tháng gần đây đã có 6 người bạch tạng bị giết hại. Mariam Witness - một trưởng thôn ở Malawi than phiền, khi sống đã khổ, khi chết cũng không được yên, gia đình nạn nhân phải canh gác nghĩa địa ngày đêm, sao nhãng là bị mất nội tạng.

Không chỉ có Malawi, tại Tanzania, tình trạng sát hại người da đen bạch tạng cũng đến hồi báo động. Cách đây 6 năm, Thủ tướng Tanzania Mizengo Pinda đã cảnh báo và yêu cầu mọi người cảnh giác trước dạng tội phạm nguy hiểm này, cho phép bắt giữ bất kỳ ai nếu mang theo chân tay hoặc các bộ phận nội cơ thể của người bạch tạng.

Một trong số những vụ sát hại trẻ bạch tạng thương tâm nhất là vụ giết bé trai 18 tháng tuổi Yohana Bahati ở huyện Chato, miền Bắc Tanzania hồi đầu tháng 2/2015 vừa qua. Thi thể của nạn nhân được tìm thấy ở gần nhà nhưng không còn nguyên vẹn, mất hết tứ chi, đầu và bộ phận sinh dục. Đây là vụ giết người lấy nội tạng thứ hai xảy ra chưa đầy 2 tháng tại khu vực này. Ngay sau khi tìm thấy thi thể của con, người mẹ 30 tuổi Ester Jonas đã ngất lịm, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nghe nói các bộ phận chân tay của Yohana Bahati được bán trao tay cho một pháp sư với giá 75.000 USD.

Mọi thứ bắt nguồn từ sự cuồng tín, mông muội

Theo tờ Daily News của Tanzania, tội phạm săn người da đen bạch tạng diễn ra từ thế kỷ trước nhưng ít được quan tâm, chỉ đến khi cộng đồng quốc tế lên tiếng thì chính phủ các nước Đông Phi mới vào cuộc. Trong quá khứ đã tồn tại niềm tin mông muội cho rằng những đứa trẻ sơ sinh có màu da trắng ở châu Phi, nơi phần lớn là người da đen đã bị coi là nỗi bất hạnh, thậm chí còn bị sát hại ngay khi lọt lòng. Sự mê tín này bắt nguồn từ chuyện hoang đường cho rằng trẻ bạch tạng là kết quả của mối quan hệ không bình thường giữa phụ nữ da đen với ma quỷ nên nó ngấm sâu vào máu thịt của nhiều người. Ngoài nỗi sợ bị săn đuổi, người bạch tạng còn phải hứng chịu bất hạnh do bệnh tật gây ra do thiếu sắc tố, mất khả năng tự bảo vệ cơ thể trước tia cực tím từ ánh nắng mặt trời nên dễ bị bỏng, ung thư da, mù lòa và nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Sự khác biệt kép này đã đẩy người bạch tạng châu Phi đến bước đường cùng, bị coi là phù thủy và gần đây, người ta còn cường điệu hóa sức mạnh ma mị của một số bộ phận cơ thể của nhóm người này. Ví dụ tứ chi, hộp sọ, bộ phận sinh dục, mắt và lưỡi đều có thể trở thành bùa hộ mệnh, thậm chí còn có lời đồn, uống máu người bạch tạng sẽ có sức mạnh vô biên, sống lâu trăm tuổi, làm ăn phát đạt. Riêng tứ chi có sức mạnh không khác gì tay người bị sét đánh mặc dù việc này cũng không ai biết thực hư. Theo nữ phóng viên ABC của Mỹ, người chứng kiến cảnh chặt tay chị Mariam Stanford 28 tuổi thì nạn “cướp tay” người bạch tạng không khác gì trong phim kinh dị, vừa tàn bạo, dã man lại trắng trợn. Chị Mariam đã bị đám người lạ mặt chặt cả hai cánh tay trong khi đang mang thai nhưng vẫn còn may không chết, nhưng đứa con trong bụng thì bị sảy. Ngay ngày hôm sau, thủ phạm đã bị bắt giữ, trong số Mariam đã nhận ra một người quen ở làng bên.

Tình trạng suy thoái kinh tế, hệ thống giáo dục tồi tàn cùng tình trạng dân trí thấp và cả những huyền thoại kinh dị chính là nguyên nhân dẫn đến làn sóng tội phạm săn đuổi người bạch tạng. Theo các huyền thoại này, người bạch tạng là ma quỷ, không biết đau, vì thế có thể cắt, chặt chân tay họ thoải mái. Nhiều thợ đào vàng, dân chài lưới còn truyền nhau, các bộ phận nội tạng của người bạch tạng là bùa hộ mệnh. Ví dụ, dân chài Tanzania còn tiết lộ nếu dùng tóc người bạch tạng cài vào lưới sẽ giúp họ bắt được nhiều cá hơn còn dân đào vàng thì tin rằng sẽ gặp may nếu bới trúng vũng máu người bạch tạng... Lòng tin mù quáng này không chỉ hâm nóng thời sự vốn đã sôi lên ở Đông Phi nay lại càng nóng bỏng thêm, làm cho nhu cầu tiêu thụ bùa hộ mệnh có nguồn gốc từ người bạch tạng tăng lên đột biến, nhiều trẻ em vô tội trở thành nạn nhân của bọn tội phạm.

Vài nét về bệnh bạch tạng

Albinism là thuật ngữ tiếng Anh nói về bệnh bạch tạng, nó có nguồn gốc từ tiếng Latinh. Ðây là một dạng rối loạn bẩm sinh tổng hợp sắc tố melanin, làm cho da, tóc và mắt con người có màu trắng nhạt. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/20.000 người trên quy mô toàn cầu, riêng vùng cận Sahara châu Phi tỷ lệ mắc bệnh là 1/10.000 người. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng. Bệnh do 4 đột biến trên gen OCA 4 gây ra, màu tóc vàng và mắt xanh là bạch tạng có nguồn gốc từ đột biến trên gen OCA 2 và một vài vài gen khác. Ngoài melenin còn có các sắc tố khác làm cho bạch tạng không đồng nhất, kể cả ở loài vật lẫn con người. Do cơ thể không thể sản xuất ra melanin nên những người này thường có da màu hồng, tóc trắng và mắt màu hồng lẫn xanh dương, và rất dễ bị ung thư da do nhạy với ánh sáng. Ngoài ra, người bạch tạng còn có rủi ro mắc bệnh rối loạn thị giác không gian cao do phần lớn các dây thần kinh thị giác chuyển đổi tín hiệu không đúng chức năng, lẫn lộn giữa các bán cầu, làm mất mối tương đồng sinh lý giữa các phần trên võng mạc mắt, dẫn đến tình trạng hình ảnh không được bán cầu não xử lý một cách hợp lý.

(Theo DM 4/2015)

Nam Bắc Giang

 

 


Ý kiến của bạn