Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa, khi trẻ chuẩn bị vào năm học đầu tiên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở nhãn khoa để khám mắt, kiểm tra thị lực.
Khám mắt để phát hiện sớm những bệnh lý về mắt
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ phát hiện sớm được những bệnh lý về mắt ở trẻ đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến khúc xạ. Việc này giúp điều trị sớm các bệnh lý về mắt ở trẻ, trong đó có những bệnh lý khi trẻ lớn lên không thể điều trị được hoặc điều trị không có hiệu quả như: viễn thị bẩm sinh, cận thị bẩm sinh. Đây là những bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển của thị giác. Việc phát hiện ra những bệnh lý này trước khi trẻ bước vào lớp 1 được xem là phát hiện vào giai đoạn vàng để điều trị hiệu quả.
ThS.BS Đỗ Việt Dũng giải đáp về việc đưa trẻ đi khám mắt trước khi vào lớp 1.
Hoặc với bệnh lý nhược thị, nếu phát hiện sớm sẽ có nhiều phương pháp để điều trị và việc đáp ứng điều trị sẽ tốt hơn. Khi trẻ ở độ tuổi từ 8-9 tuổi việc đáp ứng điều trị sẽ rất khó khăn.
Hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các gia đình đã cao hơn nhiều. Tuy nhiên theo khảo sát tại các trường học, tỷ lệ trẻ được cha mẹ đưa đi thăm khám trước khi vào năm học đầu tiên còn thấp. Do vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý trước năm học đầu tiên của trẻ nên đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám để phát hiện sớm những bệnh lý về tật khúc xạ (nếu có) và điều trị sớm, kịp thời.
Hiện nay đa phần cha mẹ đưa trẻ đi khám khi trẻ phản ánh gặp khó khăn khi nhìn bảng trên lớp hoặc theo phản ánh của thầy cô trẻ tiếp thu bài kém, khó khăn khi nhìn chữ trên bảng. Lúc này trẻ đã lớn tuổi, gặp các vấn đề về tật khúc xạ và nếu có một số bệnh như nhược thị sẽ không điều trị được.

Trước khi vào lớp 1 trẻ cần được đi khám mắt tại các cơ sở nhãn khoa uy tín.
Hạn chế cận thị ở trẻ bằng cách nào?
Bên cạnh việc đưa trẻ đi thăm khám mắt trước khi vào lớp 1 hoặc khám mắt định kỳ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây để hạn chế cận thị ở trẻ:
- Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về chăm sóc mắt cho cả phụ huynh và thầy cô giáo để phòng tránh cận thị học đường.
- Cần đưa trẻ đi khám mắt ngay mỗi khi có biểu hiện bất thường.
- Cho trẻ ngồi học đúng tư thế, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 – 30cm.
- Phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học.
- Hạn chế xem tivi, sử dụng điện thoại, máy tính để chơi điện tử.
- Tăng cường hoạt động ngoài trời (>2h/ngày; >10h/1 tuần).
- Bên cạnh đó trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, ăn ngủ, nghỉ hợp lý.
- Khám mắt định kỳ tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để phát hiện sớm tật khúc xạ, đeo kính đúng số, đúng cách.