Vì sao nấm Candida nhiễm được vào phổi?

08-07-2015 11:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Candida albican là một vi nấm hoại sinh ở da, miệng và đường tiêu hóa rất phổ biến. Candida glabrata là một loại nấm cơ hội, chúng tấn công ký chủ đã bị suy yếu, gây nhiễm nấm phổi

Candida albican là một vi nấm hoại sinh ở da, miệng và đường tiêu hóa rất phổ biến. Candida glabrata là một loại nấm cơ hội, chúng tấn công ký chủ đã bị suy yếu, gây nhiễm nấm phổi. Viêm phổi do loại nấm này thường kèm với nhiễm nấm huyết, làm bệnh lan tràn đến các cơ quan khác và là loại nấm xâm lấn thứ phát đặc biệt phổ biến.

Hình ảnh nhiễm nấm Candida phổi trên phim Xquang.

Nấm candida có trong môi trường là vi nấm cộng sinh với con người. Nhiều nghiên cứu cho biết, loại nấm này có trong đường tiêu hóa, đường sinh dục nữ và trên da người. Số lượng nấm tăng lên khi điều trị kháng sinh hoặc khi sức đề kháng của cơ thể bị thương tổn. Nếu bệnh nhân phải đặt catheter nội tĩnh mạch và các ống thông bàng quang là những cửa ngõ cho nấm xâm nhập.Sự suy yếu miễn dịch ở trẻ đẻ non và ở người già là yếu tố nguy cơ cho nấm tấn công cơ thể. Hiếm khi người khỏe mạnh bình thường bị viêm phổi do Candida, mà chỉ ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương mới bị viêm phổi do loại nấm này. Nấm vào máu, đi đến phổi gây bệnh.Nấm cũng có thể được hít vào phổi từ đường hô hấp trên bị nhiễm nấm như hầu, họng, khí quản.

Nhiễm Candida phổi xảy ra do giảm bạch cầu trung tính vì hóa trị liệu, do bệnh u hạt mạn tính với thiếu hụt men myeloperoxide, do điều trị bằng thuốc corticosteroid, do bệnh đái tháo đường. Sự thương tổn hệ miễn dịch làm sụp đổ những hàng rào bảo vệ cơ thể, chẳng hạn như vết thương, vết mổ,... tạo điều kiện cho nấm xâm nhập niêm mạc.

 

Lời khuyên của bác sĩ

Việc phòng ngừa nhiễm Candida ở phổi đạt được tốt nhất bằng cách loại trừ hay giới hạn những yếu tố có khả năng làm Candida ký sinh và hít vào phổi bệnh nhân.

Ở trên đã cho chúng ta biết, nấm Candida có trong đường tiêu hóa, đường sinh dục nữ và trên da người; lượng nấm tăng khi điều trị kháng sinh hoặc khi sức đề kháng của cơ thể bị thương tổn; khi bệnh nhân phải đặt catheter nội tĩnh mạch và các ống thông bàng quang dễ làm cho nấm xâm nhập; nấm thường tấn công khi cơ thể bị suy yếu do hóa trị liệu, do bệnh u hạt mạn tính, do điều trị bằng thuốc corticosteroid, do bệnh đái tháo đường, do vết thương... Vì vậy chúng ta có thể phòng chống bệnh nấm Candida phổi bằng các biện pháp như sau: Khi phát hiện bệnh nấm, cần điều trị tích cực nhất là nấm ở miệng, họng để tránh hít phải nấm vào phổi. Không sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi vì rất dễ làm mất cân bằng vi khuẩn chí trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây nhiễm nấm cơ hội. Chăm sóc tốt bệnh nhân phải đặt catheter nội tĩnh mạch, đặt ống thông bàng quang... để tránh nhiễm nấm vào máu.Không bao giờ tự ý dùng thuốc corticosteroid vì làm suy giảm miễn dịch của cơ thể dễ nhiễm nấm.Điều trị tích cực bệnh đái tháo đường, vết thương... để giảm nguy cơ nhiễm nấm, tránh bệnh nấm phổi.

 

ThS. Nguyễn Xuân Lục

Mời các bạn xem bài sau: Dấu hiệu bạn bị nhiễm nấm Candida ở phổi

vào ngày 9/7/2015

 

 

 


Ý kiến của bạn