Nghệ thuật múa nói chung vốn đã kén người thưởng thức, múa đương đại lại càng khu biệt hơn bởi khán giả phải hiểu được hết những gì mà người nghệ sĩ muốn chuyển tải trên sân khấu thông qua các động tác múa điêu luyện, tài hoa và cả sự nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Có những nét tương đồng với kịch câm, kịch hình thể, tuy nhiên ở múa đương đại không có động tác cụ thể mà mang yếu tố triết lý với nhiều tầng ý nghĩa, được kết nối với nhiều cảm xúc giữa cơ thể người diễn viên. Ngoài ra, múa đương đại có thể biểu diễn ở mọi nơi, tùy thuộc vào ý tưởng của biên đạo và được kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh...
Hình thành và phát triển trong khoảng 30 năm qua, múa đương đại Việt đã có không ít tác phẩm ấn tượng được khán giả yêu mến. Gần đây, các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc - Giao hưởng - Vũ kịch TP.Hồ Chí Minh (HBSO) đã và đang biểu diễn vở múa đương đại Café Sài Gòn. Các diễn viên, nghệ sĩ múa trẻ của HBSO đã cháy hết mình với Café Sài Gòn khi kể câu chuyện kể về tình yêu lứa đôi, những xung đột của tuổi trẻ thông qua ngôn ngữ múa và trên nền các ca khúc của Pháp, Mỹ, Việt Nam có tính sáng tạo, hài hòa. Đến với Café Sài Gòn, người xem sẽ cảm nhận rõ thông điệp: giữa bộn bè cuộc sống, chỉ có những tình yêu chân thật mới có thể gắn kết được những tâm hồn đồng điệu, giúp những đôi tình nhân vượt qua thử thách để đi đến hạnh phúc.
Vừa ra mắt, vở múa đương đại Café Sài Gòn được khán giả yêu mến.
Trước đó, HSBO từng có nhiều vở múa đương đại Mùa đom đóm được dàn dựng hấp dẫn, dễ hiểu với phần trình diễn ấn tượng của 13 nghệ sĩ. Ở Mùa đom đóm, người xem không chỉ nhìn được, nghe được mà còn cảm được hình ảnh của đồng quê, của những cánh đồng lúa và cuộc sống bình dị của những con người ở đây. Phần thiết kế sân khấu đơn giản nhưng vẫn mang lại hiệu quả không nhỏ. Chỉ cần vài ba đụn rơm và hình một bông hoa sen xuất hiện cũng đủ để nêu bật chủ đề của vở diễn, đồng thời phần âm nhạc của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phục vụ vở diễn với tiếng sáo trúc, tiếng đàn bầu thánh thót đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Từng để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ với công chúng là vở múa đương đại Sắc sắc không không của biên đạo múa Trần Ly Ly. Ở vở múa này, Trần Ly Ly đã cho khán giả thấy được sự giằng xé trong nội tâm người đồng giới, được thể hiện bằng nghệ thuật múa đương đại kết hợp cả nghệ thuật hình thể, ánh sáng, sắc màu, âm thanh, tiếng hát... với những phân cảnh từ êm dịu đến mạnh mẽ, gai góc, thậm chí dữ dội và cả bạo lực. Sắc sắc không không cho thấy đây là một tác phẩm múa đương đại đầy thể nghiệm, dấn thân của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, vở Sương sớm do các nghệ sĩ như Tấn Lộc, NSƯT Tố Như, Thanh Phương, Vũ Ngọc Khải... cùng thực hiện kể câu chuyện về một buổi sáng ra đồng của người nông dân được khán giả yêu mến. Với sân khấu dàn dựng đẹp mắt và phần trình diễn độc đáo của các nghệ sĩ, khán giả được chứng kiến những màn múa đầy nghệ thuật và cảm xúc. Với kết cấu 7 phần, một bức tranh toàn cảnh về buổi sớm lao động của người nông dân Việt Nam được khắc họa sống động, đẹp mắt trên sân khấu.
Trong khi đó, trên sóng truyền hình, khán giả từng được chiêm ngưỡng cặp đôi nghệ sĩ Quang Bảo và Phụng Yến với vở múa đương đại Rơm (biên đạo múa Tấn Lộc). Vở múa này kể về tình cảm giản dị và chân chất của gia đình nông dân Việt Nam thông qua hình ảnh ụ rơm mộc mạc, quen thuộc. Ụ rơm như một nhân chứng bên cạnh ngôi nhà, kể từ ngày ông bà còn trẻ, quen nhau, cưới nhau rồi sinh con. Cứ thế, từng người con lớn lên rồi rời đi và cứ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế, vở múa đương đại Rơm cũng là thông điệp tôn vinh tình cảm gia đình người Việt. Không những thế, các vở múa đương đại đặc sắc về đề tài về thế giới tâm hồn, những rung động sâu kín của người phụ nữ Việt Nam cũng đã đến với khán giả thời gian qua, đó là vở Cầm giả ca, Dạ cổ hoài lang… Hoặc cũng có vở múa đương đại phản ánh những trăn trở trong đời sống tâm lý, tình cảm con người Việt thời hội nhập qua vở múa Cân bằng, Phía sau, Ai điên, ai tỉnh… và tác phẩm múa đương đại Tình bạn, Góc khuất, Đời cát về đề tài chiến tranh, hậu chiến và hòa hợp dân tộc đã in sâu trong lòng người thưởng thức.
Dù còn gặp khó khăn về khả năng biên đạo, sân khấu trình diễn, kinh phí dàn dựng…nhưng thực tế trên cho thấy, múa đương đại Việt đã có những thành công nhất định nhờ diễn đạt bằng ngôn ngữ múa tiên tiến, kết hợp tinh hoa trong múa dân tộc Việt Nam. Điều đáng mừng hơn nữa, các nghệ sĩ múa đương đại nước ta đã đưa được những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc từ âm nhạc đến các câu chuyện đời sống, kết hợp với tính triết lý thời đại để tạo nên những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao và khắt khe của khán giả.