Hà Nội

Vì sao một vở kịch cũ vẫn nóng?

16-09-2016 08:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Công lý không gục ngã không phải là sản phẩm nghệ thuật của năm 2016. Kịch đã được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu vào tháng 5 năm ngoái, giành nhiều huy chương các loại.

Năm nay, Bộ VHTT&DL có chủ trương biến Nhà hát Lớn thành một địa chỉ văn hóa thật sự có chất lượng, đưa những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao tới công chúng. Nhà hát Tuổi trẻ đã chọn Công lý không gục ngã để công diễn lần đầu tiên tại nơi vẫn được coi là thánh đường nghệ thuật này. Trên hàng ghế khán giả đêm 10/9/2016 có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, 2 Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái và Vương Duy Biên cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành.

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết, vở diễn đem đến niềm tin vào vai trò của công lý, sự công bằng trong đời sống xã hội. Công lý trong một thời điểm, một giai đoạn nào đó có thể gục ngã nhưng công lý ngàn đời, công lý ngàn năm cho một đất nước, một dân tộc thì không bao giờ gục ngã!

Công lý không gục ngã được tác giả Lê Chí Trung sáng tạo từ lát cắt của chính sử về một thời kỳ rối ren của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII, về cuộc tranh giành quyền lực giữa phe Trịnh Tông và phe Trịnh Cán trong phủ chúa ở thời điểm chúa Trịnh Sâm mang bệnh nặng. Kịch về đề tài lịch sử, thông điệp lại nặng như vậy song dưới bàn tay của đạo diễn tài hoa Doãn Hoàng Giang đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, phù hợp với tâm cảm người xem của ngày hôm nay.

Quan thị lang Ngô Thì Nhậm hất đổ đám lễ vật tuyên phi định hối lộ để xin xử trắng án cho “cậu giời” Đặng Mậu Lân.

Chính kịch mang tiết tấu của phim hành động

Ðược mở màn bằng tiếng chuông réo rắt/âm nhạc dồn dập, vở kịch gây hồi hộp ngay từ những cảnh đầu tiên. Lập tức, khán giả bị kéo vào một cảnh... hãm hiếp. Tiếng rú đàn bà thất thanh đau đớn, tiếng cười đàn ông man rợ khả ố... Một tấm lụa trắng lớn được quăng mạnh ra giữa sân khấu, ánh sáng tập trung cho thấy rõ những động tác kích thích thị giác - ước lệ cho cảnh quây màn hành lạc giữa thanh thiên bạch nhật của kẻ ngông cuồng tự xưng là “cậu giời” Đặng Mậu Lân. Phố phường Thăng Long ngày đó thật là bất trắc. Và đạo diễn đã thành công khi đem đến cho khán giả cảm giác hồi hộp đến nghẹt thở đó.

Sân khấu của Công lý không gục ngã hầu như không có thời gian chết. Các đoạn chuyển cảnh, khán giả đều được đãi các lớp diễn nhỏ phía ngoài sân khấu. Người xem có cảm giác cần phải tập trung cao độ để không xổng mất tình tiết của vở kịch. Đó cũng chính là tâm thế thưởng thức phim hành động, một loại hình nghệ thuật nói cho công bằng là vẫn luôn hấp dẫn khán giả hơn các vở kịch.

Phủ màu tâm lý hiện đại, nhân văn cho những nhân vật lịch sử

Đó là quan thị lang Ngô Thì Nhậm (NSƯT Như Lai) khi đối mặt trước một vụ án khó - kẻ cần xử là một “cậu giời”, em ruột của người đàn bà quyền lực bậc nhất nước. Những đêm không ngủ, những nỗi đau giằng xé: Nếu Nhậm không lau được nước mắt của những người dân thì Nhậm cũng có tội. Triều đình có tội với dân.

Đó là tuyên phi Đặng Thị Huệ (nghệ sĩ Bảo Thanh), người đàn bà làm mê hoặc chúa bởi sắc đẹp giời sinh nhưng luôn sống trong cảm giác đối phó với những cạm bẫy nơi phủ chúa và những day dứt ngay chính trong nội tâm mình. Người đàn bà vốn “chết tên” trong chính sử bởi sự ghê gớm cỡ thượng thừa đã được xây dựng với những sáng tạo nhân văn hơn. Không chỉ có âm mưu mà còn có cả tình yêu, nữ nhân của lịch sử này vì thế có chất “người” hơn những định kiến ngàn đời. Cũng như thế, vở kịch đưa ra một cách giải thích đẹp cho sự u mê trong sắc dục sau này của chúa Trịnh. Đó là hình ảnh cô gái hái chè đẹp đến mức ảo diệu, lấp loáng dưới ánh trăng năm nào đã xuyên thấu vào trái tim của dũng tướng Trịnh Sâm (nghệ sĩ Sỹ Tiến), khiến cho mặt sắt cũng ngây vì tình là vậy. Hồi ức mạnh thường có khả năng chi phối hiện tại. Đó cũng chính là quy luật tâm lý của con người, đã được đạo diễn khéo léo lồng vào, lôi cuốn cảm xúc của độc giả.

Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong một dằn vặt nội tâm giữa âm mưu và tình yêu.

Kiểu gì cũng phải cứu cậu, không thì cái mặt bà còn ra cái mặt gì nữa. “Cậu giời” Đặng Mậu Lân (nghệ sĩ Quang Ánh) thống nhất với tâm lý này từ đầu tới cuối vở kịch. Luôn tự đắc bởi sự bất khả xâm phạm cho dù hành động vô lối, vô đạo... sự “nhơn nhơn” hèn mạt núp váy đàn bà đã được đẩy đến tận cùng trong xây dựng nhân vật này. Khi người xem uất ức, đó là thành công của diễn viên và nghệ thuật.

Tâm lý “mẹ chồng nàng dâu” của quốc mẫu (NSƯT Minh Hằng) với tuyên phi được sủng ái cũng là một sáng tạo, hài hước sâu cay chứ không chọc cười dễ dãi. Cũng nhờ thế, tiến gần hơn với tâm lý của khán giả ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngôn ngữ của đời sống thị dân đương đại có hơi bị lạm dụng đưa vào một câu chuyện đã xảy ra cách đây vài thế kỷ. Hiệu ứng gần gũi với tâm cảm hiện đại thì đã rõ nhưng cần được xử lý bớt thô hơn, do đó sẽ tạo được sự... đồng thuận hơn trong cảm xúc của người xem.

Nhiều cảnh gây ấn tượng mạnh

Ngoài xen quây màn hãm hiếp đập mạnh vào cảm giác của khán giả khi vừa mở màn, kịch còn tạo cảm xúc dồn nén nhờ khá nhiều tiểu cảnh được đẩy đến mức tận cùng kịch tính: Cảnh trống kêu oan dồn dập, tưởng như không thể dứt vang rền khắp kinh thành; Cảnh lễ vật tuyên phi Đặng Thị Huệ mang đến định hối lộ quan thị lang cứ liên tiếp chất dần lên, chất chồng, che kín cả mặt Ngô Thì Nhậm - một hình ảnh ước lệ có tính biểu cảm cao. Liệu rằng công lý có bị che mắt bởi quyền lực đi kèm vật chất ở trên mức tưởng tượng của con người?


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn