Vì sao mắc chứng thận hư?

09-07-2009 08:10 | Tin nóng y tế
google news

Ở người lớn, có đến trên 30% số bệnh nhân bị hội chứng thận hư (HCTH) nghĩa là có bệnh thận do bệnh toàn thân gây nên như đái tháo đường,

Ở người lớn, có đến trên 30% số bệnh nhân bị hội chứng thận hư (HCTH) nghĩa là có bệnh thận do bệnh toàn thân gây nên như đái tháo đường, thoái hóa dạng bột, lupus ban đỏ hệ thống... Số bệnh nhân bị HCTH còn lại thường là không rõ căn nguyên, do 1 trong 4 thể bệnh: tổn thương tối thiểu, xơ hoá cầu thận thành ổ, bệnh thận màng hoặc viêm cầu thận tăng sinh màng.

Một số nguyên nhân gây HCTH

Thận hư do đái tháo đường (ĐTĐ): ĐTĐ chủ yếu dẫn đến HCTH, tổn thương phổ biến nhất là xơ hóa cầu thận lan tỏa. Nếu lượng đường trong máu cao có thể phá hủy những mạch máu của cầu thận dẫn đến bệnh thận do đái tháo đường. Quá trình thận tổn thương diễn ra âm thầm, từ từ trong nhiều năm. Biểu hiện chính của bệnh là kích thước thận to ra do phì đại và tăng sinh tế bào, xét nghiệm thấy protein niệu. Những tổn thương ở thận nếu không được ngăn chặn, chữa trị kịp thời có thể gây ra suy thận. Khi đã bị suy thận hoàn toàn, bệnh nhân chỉ có thể lọc máu bằng chạy thận nhân tạo hoặc cấy ghép thận mới để tiếp tục sống. Phòng ngừa bệnh bằng cách khống chế đường máu và điều trị tăng huyết áp sẽ làm chậm tiến triển của bệnh thận do ĐTĐ. 

Thận hư do thoái hóa dạng tinh bột: Thoái hóa dạng tinh bột là bệnh có sự lắng đọng chất dạng tinh bột protein xơ ở ngoại bào của một hay nhiều cơ quan. Bệnh nguyên phát hay thứ phát sau khi viêm, đa u tuỷ xương, hoặc các bệnh ác tính. Bệnh gây protein niệu không tương xứng với mức độ lan rộng tổn thương ở thận. Thận to ra do lắng đọng các chất dạng tinh bột, cầu thận chứa đầy chất lắng đọng. Trong thể bệnh thứ phát, bệnh sẽ lui nếu nguyên nhân chính gây bệnh được loại bỏ. Tiến triển của thoái hóa dạng tinh bột tiên phát đến suy thận giai đoạn cuối là 2-3 năm, bệnh nhân tử vong chủ yếu do suy tim và suy thận. Điều trị bằng phương pháp ghép thận là giải pháp duy nhất.

Thận hư do lupus ban đỏ hệ thống: Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn toàn thân mà tổn thương thận rất hay gặp. Bệnh gây tổn thương cả HCTH lẫn viêm thận. Bệnh nhân cần xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để phát hiện đái máu và protein niệu. Điều trị cần phải dùng corticoid là chủ yếu.

Phù do hội chứng thận hư.

Xét nghiệm có gì đặc biệt?

- Xét nghiệm nước tiểu thấy protein niệu do hậu quả hư biến sự tích điện âm của màng đáy cầu thận. Protein niệu phải được đọc cùng với tỷ trọng nước tiểu, vì protein vết ở nước tiểu cô đặc (tỷ trọng cao) có thể không có ý nghĩa gì, nhưng nếu là ở nước tiểu loãng (tỷ trọng thấp) lại là dấu hiệu của bệnh thận thực sự.

- Xét nghiệm máu: thấy giảm albumin máu (dưới 30g/lít) và giảm protein toàn phần (dưới 60g/lít). Trên 50% bệnh nhân thận hư có tăng lipid máu. Nếu bệnh nhân đái càng nhiều protein thì thường có khả năng lipid máu càng cao. Nồng độ vitamin D, kẽm, đồng có thể bị giảm do mất qua nước tiểu.

- Sinh thiết thận thường có chỉ định ở người lớn bị HCTH không rõ nguyên nhân; HCTH do thoái hóa dạng bột và trong bệnh đái tháo đường thường không cần sinh thiết, vì protein niệu cao trong các bệnh này chứng tỏ tổn thương cầu thận không hồi phục. Sinh thiết đôi khi có thể phát hiện được các trường hợp tổn thương bệnh thận màng do lupus ban đỏ mà không có các biểu hiện khác trong máu. 

Những điểm quan trọng trong chẩn đoán HCTH là: giảm albumin máu dưới 3,0g/100ml; phù ngoại vi.

Điều trị HCTH như thế nào?

Khi bệnh nhân mất protein, cần hạn chế vừa phải lượng protein đưa vào cơ thể  (0,5 - 0,6g/kg/ngày) vì thường thấy chức năng thận giảm ở một số thể bệnh khi ăn nhiều protein. Mặt khác vẫn phải bù đủ lượng protein mất qua nước tiểu hàng ngày để tránh cân bằng âm. Cần hạn chế cho bệnh nhân ăn muối là cách điều trị phù chủ yếu. Bên cạnh đó đa số bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc lợi tiểu như thiazid, lasix để chống phù. Cả hai thuốc này đều gắn mạnh với protein. Nếu hạ albumin máu nặng, thuốc đến cầu thận ít, nên cần dùng liều cao. Việc kết hợp hai thuốc này làm tăng tác dụng lợi tiểu, nhất là khi có phù nhiều, tràn dịch màng phổi và cổ trướng.

Tăng lipid máu, thường có tăng cholesterol máu và tăng triglycerid máu. Thay đổi chế độ ăn và tập thể dục vẫn được khuyến khích.

Tình trạng tăng đông, nếu hạ albumin máu dưới 20g/lít có thể có tình trạng tăng đông. Bệnh nhân bị HCTH thường bị mất các chất như kháng thrombin III, protein C, protein S qua nước tiểu và tăng hoạt hoá tiểu cầu. Do đó rất dễ xảy ra tắc các tĩnh mạch thận và các tĩnh mạch nơi khác do khối đông. Vì vậy, bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông từ 3 - 6 tháng. Trường hợp bệnh nhân bị tắc mạch thận hoặc có các khối đông tái phát cần phải điều trị chống đông suốt đời.
 

HCTH có triệu chứng gì?

        Triệu chứng chủ yếu trong HCTH là phù ngoại biên, xuất hiện khi nồng độ albumin máu hạ dưới 30g/lít. Phù còn do giữ muối (bởi bệnh thận) hoặc do giảm áp lực keo trong lòng mạch. Thời gian đầu, phù chỉ ở những tổ chức lỏng lẻo như mi mắt hoặc bàn chân nhưng nhanh chóng thành phù mọng đa màng. Bệnh nhân có thể bị khó thở do phù phổi và tràn dịch màng phổi hoặc chèn ép cơ hoành do cổ trướng. Triệu chứng tức bụng do cổ trướng cũng thường gặp. Trong HCTH, bệnh nhân thường dễ bị nhiễm khuẩn do mất các globulin miễn dịch và các thành phần bổ thể qua nước tiểu.

BS. Trần Tất Thắng


Ý kiến của bạn