Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đưa ra những lý giải về việc lương hưu ở Việt Nam thấp, dù tỷ lệ đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu rất cao.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng 25,5% tiền lương tháng tính đóng, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, mức đóng bảo hiểm xã hội này đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong các mối quan hệ đóng – hưởng, giá trị tuyệt đối, độ bao phủ BHXH, sự chia sẻ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội chỉ được cân nhắc điều chỉnh tăng có lộ trình trong Luật Bảo hiểm xã hội 2007. Từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện nay đều không xem xét đến vấn đề này, để bảo đảm tính ổn định, bền vững.
Tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam tương đương một số nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa ở Việt Nam cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.
Số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam tương đương một số nước trong khu vực, như: Trung Quốc (gần 33% tiền lương tháng), Nhật Bản (gần 30%), Malaysia (26,7%), Bồ Đào Nha (gần 35%), Đức (gần 40%), Brazil (29%), Argentina (27%)…
Mức hưởng lương hưu tại Việt Nam tối đa bằng 75% tiền lương tính đóng (nữ đóng 30 năm, nam đóng 35 năm). Bình quân mỗi năm đóng được hưởng 2,5% tiền lương đóng đối với nữ và 2,14% đối với nam. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.
Như vậy, ở Việt Nam, tỷ lệ đóng BHXH cao nhưng hưởng lương hưu cũng cao. Tuy nhiên, lương hưu thực tế của người lao động lại thấp, do tiền lương tính đóng thấp. Năm 2022, mức lương hưu bình quân hằng tháng chỉ đạt 5,4 triệu đồng/người.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định, từ năm 2018 trở đi, tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của lao động.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH.
Thống kê của BHXH năm 2022 cho thấy, tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của người lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập như: loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng BHXH.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang xây dựng theo hướng giảm năm đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng không đề xuất điều chỉnh mức đóng – hưởng để bù đắp giảm số năm đóng của các trường hợp này (đóng ít nhưng có thể hưởng dài, mức hưởng thấp).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu quan điểm, việc doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa sẽ giảm mức hưởng lương hưu của người lao động vốn đã thấp do giảm số năm đóng, nên không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.
MỜI ĐỘC GIẢ XEM THÊM:
>>> Hàng triệu người nào được tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024?
>>> Người lao động được nhận những khoản tiền nào dịp Tết Dương lịch 2024?
>>> Hàng triệu người cần biết ngay điều kiện hưởng lương hưu sắp thay đổi
>>> Tin kém vui cho hàng trăm nghìn người khi cải cách tiền lương năm 2024
>>> Quyền lợi về tiền người hưởng lương hưu cần biết ngay kẻo thiệt
>>> Người nghỉ hưu vẫn đi làm thêm sẽ bị cắt lương hưu?