Vì sao loại cá chứa chất kịch độc người dân vùng biển miền Trung vẫn tranh nhau mua?

31-10-2024 07:44 | Thị trường
google news

SKĐS - Đang là mùa cá nóc, mỗi ngày, người dân ven biển miền Trung vẫn tiêu thụ hàng chục tấn cá độc này làm món ăn, bởi giá rẻ và “thịt ngon”, bất chấp nhiều ca ngộ độc đã xảy ra.

Bất chấp cảnh báo, cá nóc mua bán tràn lan

Cảng cá Lạch Vạn, Diễn Ngọc của huyện Diễn Châu (Nghệ An), sau mỗi đợt tàu, thuyền về, người dân địa phương lại tranh thủ đi mua cá nóc về ăn. So với các loại cá khác, cá nóc rẻ tiền hơn rất nhiều nên vẫn là món ăn ưa thích của người dân miền biển.

Vì sao loại cá chứa chất kịch độc người dân vùng biển miền Trung vẫn tranh nhau mua?- Ảnh 1.

Cá nóc là loại sinh vật có xương sống độc thứ 2 trên thế giới, chỉ sau ếch độc phi tiêu vàng.

"Đây đang là cao điểm của mùa cá nóc. Mỗi đêm dong thuyền ra khơi, ít cũng kiếm được gần 1 tạ, nhiều thì vài tạ. Cá càng to, người mua càng chuộng. Giá bình quân dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg chưa qua sơ chế. Sau khi phân loại theo kích thước, cá nóc có giá bán từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Cá nóc rẻ, thịt lại thơm nên hầu hết đều bán được cho người dân. Một số mua về cho gia súc nhưng hầu hết để ăn hàng ngày", một chủ thuyền ở cảng Lạch Vạn, hồ hởi cho biết.

Theo anh anh Nguyễn Văn T., một ngư dân đánh cá lâu năm cảng Lạch Vạn, cá nóc mới được đưa từ ngoài khơi về, còn tươi lắm, ăn cũng không sao. "Cá được xử lý, làm sạch sẽ không gây ngộ độc và thịt rất thơm ngon. Tôi có thấy ai bị ngộ độc đâu bao giờ mà anh, chị cứ làm ầm lên thế", anh T. nói.

Không chỉ riêng Nghệ An, tại Hà Tĩnh, ngư dân ở các huyện ven biển như Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh…cũng đang bước vào mùa thu hoạch cá nóc. Sau mỗi chuyến thuyền trở về, từng mớ cá nóc lại được mang ra chợ và bán cho người dân để chế biến thành món ăn.

Vì sao loại cá chứa chất kịch độc người dân vùng biển miền Trung vẫn tranh nhau mua?- Ảnh 2.

Cá nóc với số lượng nhiều trên các sạp tại Cảng cá Lạch Vạn.

Người dân thường sử dụng cá nóc để làm các món kho, nướng tẩm gia vị hay nấu canh chua. Nhiều người còn mua cá nóc về để sơ chế, xẻ thịt và phơi khô, giúp bảo quản lâu dài và sử dụng dần.

Nhiều ngư dân khẳng định, cá nóc độc chủ yếu là cá nóc hòm, cá nóc gai và cá nóc hoa. Trong khi đó, cá nóc được khai thác ở đây là cá nóc cơm, loại lành và có thịt thơm ngon. Tuy nhiên, đa số ngư dân đều thừa nhận rằng việc phân biệt các loại cá nóc khác nhau là rất khó.

Cá nóc nhiều, được bày bán thường xuyên vì loại cá này dễ đánh bắt, tàu thuyền không phải đi xa. Ngư dân ai cũng biết cá độc, nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng vì là nguồn thu chính, không đừng được. Hơn nữa loại cá này làm mồi nuôi ốc hương cho lợi nhuận kinh tế cao.

Mối nguy hại chết người từ cá nóc

"Các chủ buôn ở cảng cá Lạch Vạn bán cá nóc tươi lẫn cá nóc khô nên tôi cũng học cách sơ chế để phơi gần chục kg ăn dần khi mùa mưa bão đang cận kề", bà Trần Thị M. (65 tuổi) ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết. Theo cách phân biệt cảm tính của những người làm nghề biển, cá nóc có 2 loại là cá nóc cơm (cơ thể nhạt màu, gân và đuôi màu vàng có thể ăn được) và cá nóc bông (cơ thể có nhiều đốm đủ sắc màu, không nên ăn vì chứa nhiều độc tố).

Vì sao loại cá chứa chất kịch độc người dân vùng biển miền Trung vẫn tranh nhau mua?- Ảnh 3.

Cá nóc thường được người dân miền biển sử dụng thành món ăn khoái khẩu.

Mặc dù biết tới mối nguy hiểm chết người của loài cá nóc song nhiều người dân làm nghề biển, buôn bán cá lẫn người tiêu dùng đều tỏ ra khá tự tin về cách phân biệt loại cá nóc nào độc, loại nào không. Theo họ, cá nóc độc thường có gân và đuôi màu đen, sống ở vùng biển sâu. Cá nóc có gân và đuôi có màu vàng thì có thể ăn bình thường. Thậm chí họ còn cho rằng những người bị ngộ độc cá nóc là do chế biến không kỹ, để lẫn phần ruột sót lại.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cho biết, cá nóc được coi là loại sinh vật có xương sống độc thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau ếch độc phi tiêu vàng. Theo y học, độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc là chất độc cực mạnh, gấp hằng trăm lần so với xyanua. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khoảng 10 gram thịt cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin khiến người từ khỏe mạnh rơi vào tình trạng ngộ độc. Khoảng từ 1 - 2 mg chất độc tetrodotoxin gây nên tử vong cho con người nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời. Độc tố tetrodotoxin trong cá nóc chỉ giảm một nửa khi đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ và bị phá hủy hoàn toàn khi đun ở 200 độ C trong 10 phút. Vì vậy, cách xử lý, sơ chế và chế biến thông thường (nấu, nướng chín) hay phơi khô, độc tố này chưa bị phá hủy.

Trước tình trạng trên, BS.CKI Nguyễn Trọng Toàn, Khoa Chống Độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đưa ra nhiều phân tích và khuyến cáo liên quan đến cá nóc.

Vì sao loại cá chứa chất kịch độc người dân vùng biển miền Trung vẫn tranh nhau mua?- Ảnh 4.

Bệnh nhân ăn ốc bùn bóng điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Theo bác sĩ Toàn, ngộ độc cá nóc do độc tính tretrodotoxin gây ra. Người nào bị nhiễm chất này sẽ bị yếu và liệt cơ. Nếu ngộ độc cá nóc nặng sẽ liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Phần lớn các trường hợp ngộ độc cá nóc thường xuất hiện triệu chứng trong vòng khoảng 20 giờ sau khi ăn cá nóc.

Ban đầu, người bệnh sẽ thấy tê miệng, lưỡi, 2 môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn. Kèm theo đó có thể có các triệu chứng như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, co giật ở mặt và tứ chi tê liệt và mất phản xạ. Trong 4 - 6 giờ các triệu chứng ngộ độc cá nóc có thể tiến triển nặng thêm và dẫn tới tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.

Từ nhiều vụ ngộ độc cá nóc nghiêm trọng đã xảy ra, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn đưa ra khuyến cáo, nếu không may đã trót ăn cá nóc, ngay khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc đầu tiên là tê lưỡi phải nhanh chóng gây nôn và đến cơ sở y tế. Tuyệt đối, không để bệnh diễn biến nặng hơn mới nhập viện vì ngộ độc cá nóc nếu đến bệnh viện muộn sẽ khó khăn trong công tác cấp cứu và điều trị.

Bác sĩ Toàn phân tích thêm, hiện tại chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc cá nóc. Do đó, việc điều trị chủ yếu tập trung vào hạn chế hấp thu chất độc vào cơ thể, bao gồm gây nôn, rửa dạ dày và uống than hoạt. Đối với các trường hợp nặng bị liệt cơ hô hấp hoặc rối loạn chức năng tim mạch, điều trị hỗ trợ sẽ được thực hiện bằng cách cho thở máy, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch và lọc máu để loại bỏ chất độc.

Trong năm qua, Khoa Chống độc của Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận khoảng 5 - 6 ca ngộ độc do cá nóc và ốc bùn bóng. "Từ kinh nghiệm điều trị các ca ngộ độc cá nóc, thời gian điều trị nhanh hay lâu phụ thuộc vào lượng thức ăn mà bệnh nhân đã ăn, có được sơ cấp cứu kịp thời từ ngoại viện hay không, cũng như thời gian bệnh nhân vào viện", bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn khẳng định.


SKĐS
Ý kiến của bạn
Tags: