Được biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 kéo dài cho đến ngày 15/3. Đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của MTTQ, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Mới đây, dư luận xôn xao trước hình ảnh Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức vào ngày 9/3. Cụ thể, đối tượng ở đây là học sinh Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nhiều người cho rằng, hình ảnh học sinh đeo khăn quàng đỏ ngồi nghe và lấy ý kiến nội dung về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là không đúng đối tượng và mang tính hình thức, bởi học sinh THCS còn quá nhỏ và tầm hiểu biết chưa đủ, nếu có lấy ý kiến thì đối tượng là học sinh cấp 3 hoặc sinh viên trường đại học sẽ phù hợp hơn.
Trao đổi với báo chí, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan như khi Nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em; Đối tượng nào cần được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Nếu em là người được đứng tên trên sổ đỏ, em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không; Khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không... Tất cả những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai".
Theo ông Bốn, việc lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến toàn dân. Trẻ em cũng là một công dân và cũng cần được lấy ý kiến.
Ông Bốn khẳng định, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã phối hợp cùng Trường THCS Lương Yên tổ chức lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và phù hợp với pháp luật hiện hành. Các em đã tham gia trả lời một số câu hỏi có sự hướng dẫn của giáo viên và cán bộ hỗ trợ một cách công khai, minh bạch.