Mới sáng sớm, pyrazinamid tôi đã thấy bác Long phàn nàn: “Quái lạ, mình vừa phát hiện bị lao phổi và dùng thuốc điều trị lao. Dùng được mấy bữa thì tự dưng lại đau các khớp. Đi khám thì được bác sĩ cho biết bị tăng axit uric máu. Chưa xong bệnh này đã bị bệnh kia. Chẳng hiểu ra làm sao nữa”.
Nghe thấy bác Long phàn nàn làm cho pyrazinamid tôi suy nghĩ nhiều, vì bác Long vừa được các bác sĩ cho dùng tôi để điều trị bệnh của bác (bệnh lao mà bác vừa mắc phải). Tôi đang giúp bác điều trị bệnh, chưa được bao lâu thì lại gây phiền phức cho bác rồi. Vì chính việc làm tăng axit uric máu này mà tôi đã gây ra đau khớp cho bác.
Nói vậy, nhưng các bác chớ nên quá lo lắng bởi không phải ai dùng tôi điều trị lao cũng gặp phải rắc rối này. Chỉ một tỷ lệ nhỏ người dùng, trong đó có bác Long không may gặp phải thôi.
Nhân đây, tôi cũng chia sẻ để các bạn hiểu thêm về những ưu, nhược của tôi để có thể phòng, tránh, dùng sao cho an toàn nhé. Tôi là một thuốc trong đa hóa trị liệu chống lao, chủ yếu dùng trong 8 tuần đầu điều trị của hóa trị liệu ngắn ngày. Trong các trường hợp được chẩn đoán là lao mới hoặc tái trị bệnh lao phổi và ngoài phổi (chủ yếu ở giai đoạn tấn công ban đầu), tôi thường được phối hợp cùng với các bạn chống lao khác như isoniazid và rifampicin để điều trị. Bên cạnh việc gây tăng axit uric máu tôi còn gây tổn thương gan... Vì thế đối với những người bị tổn thương gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh nhân mẫn cảm với thuốc thì tuyệt đối không được mang tôi ra dùng. Để an toàn, bạn cần phải kiểm tra chức năng gan trước, trong và sau khi dùng tôi điều trị. Bên cạnh đó, với các trường hợp: người bệnh có tiền sử đái tháo đường, viêm khớp, tiền sử bệnh gút cấp (tránh dùng khi có cơn cấp tính), suy thận... phải dùng tôi một cách thận trọng và có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc. Và điều quan trọng là trong quá trình dùng tôi, nếu phát hiện thấy có bất cứ một biểu hiện nào khác thường cần báo cho thầy thuốc điều trị của mình biết để được xử lý kịp thời, thích hợp các bạn nhé.
Hữu Châu