Cơ thể cần một lượng chất béo nhất định để hoạt động bình thường. Khi cơ thể có cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), hay được gọi là cholesterol tốt thì các động mạch được thông thoáng và máu lưu thông dễ dàng hơn do HDL giúp loại bỏ cholesterol xấu LDL.
Thế nào gọi là mỡ máu cao?
Tình trạng mỡ máu ở mức cao hơn bình thường sẽ được đánh giá qua 4 chỉ số gồm: cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL, tốt HDL và chất béo trung tính triglyceride. Theo đó, chỉ số mỡ máu cao là khi:
- Chỉ số cholesterol toàn phần từ 240 mg/dL trở lên cảnh báo cholesterol trong máu tăng và bạn có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp đôi bình thường.
- Chỉ số cholesterol tốt HDL ở nam giới dưới 40mg và ở nữ giới dưới 50 mg là một mức cholesterol tốt thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch.
- Chỉ số cholesterol xấu LDL trong khoảng 160 - 189 mg/dL là mức cao, bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và biến chứng cao.
- Chỉ số cholesterol xấu LDL từ 190 mg/dL trở lên cảnh báo mỡ máu rất cao, tương ứng với nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch và biến chứng rất cao.
- Chỉ số triglycerides trong máu từ 200 - 499 mg/dL là tăng cao hơn bình thường. Chỉ số này ở mức trên 500 mg/dL là một mức tăng rất cao.
Vì sao kiêng ăn dầu mỡ, thực phẩm chiên xào mà mỡ máu vẫn cao?
Rối loạn mỡ máu (máu nhiễm mỡ hay rối loạn lipid máu): Là tình trạng bất thường của lipid trong máu như mức LDL-C (cholesterol xấu) hoặc Triglyceride quá cao, mức HDL-C (cholesterol tốt) quá thấp. Lipid máu bình thường cần thiết cho sự sống nhưng khi vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ gây hại. Tình trạng này dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới, các bệnh động mạch chủ.
Yếu tố di truyền: Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa. Bạn có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu nguyên phát nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh này. Dạng tăng cholesterol máu di truyền phổ biến nhất có tên gọi tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử (FH). Những trường hợp có người thân bị cholesterol cao hoặc nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi (nếu ở nam) và 65 tuổi (ở nữ), trẻ em, thanh thiếu niên nên được kiểm tra FH.
Mắc các bệnh lý: Các nguyên nhân góp phần gây rối loạn mỡ máu thứ phát gồm tiêu thụ nhiều calo, chất béo bão hòa, cholesterol, chất béo chuyển hóa, dùng nhiều đồ uống chứa cồn và chất kích thích. Người thừa cân béo phì, mắc các bệnh lý thận mạn tính, đái tháo đường, suy giáp, xơ gan - ứ mật nguyên phát, các bệnh gan ứ mật khác cũng có nguy cơ cao.
Do sử dụng một số loại thuốc: Người sử dụng những loại thuốc như thiazid, retinoid, các thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao, cyclosporine, tacrolimus, estrogen và progestin, glucocorticoid... cũng dễ mắc bệnh.
Cách hạn chế mỡ máu cao
Điều trị rối loạn mỡ máu phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh uống thuốc, người bệnh cần chú ý:
- Không hút thuốc lá và các chất gây nghiện.
- Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
- Tránh căng thẳng, làm việc quá độ.
- Hạn chế uống rượu bia, nước ngọt, nước tăng lực.
- Duy trì cân nặng ổn định, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tập yoga...
- Nên kiểm tra mỡ trong máu định kỳ 3-6 tháng/lần hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Người bệnh phải uống thuốc đều đặn, không được bỏ thuốc giữa chừng.
- Ăn nhiều rau củ quả tươi và trái cây chín loại ít ngọt. Nên ăn cá và đậu các loại thay thế ăn thịt. Nên dùng các loại dầu như dầu vừng, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu… thay cho mỡ động vật trong các món ăn chế biến bằng cách chiên xào. Nên uống nhiều nước hàng ngày (từ 1,5 – 2 lít).
- Không ăn nhiều các loại thức ăn có hàm lượng cholestrol cao như óc lợn, mỡ động vật, da gà, da vịt, da lợn, lòng đỏ trứng, chân giò, gân bò, nội tạng động vật…
Xem thêm video được quan tâm:
Ra nhiều mồ hôi có phải là bệnh? | SKĐS