1. Không sử dụng thuốc trị ngạt mũi dài ngày vì có thể gây tác dụng ngược
Ngạt mũi là một triệu chứng phổ biến mà nhiều người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Ngạt mũi gây cảm giác khó chịu, khó thở và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có nhiều loại thuốc trị ngạt mũi giúp giảm triệu chứng hiệu quả:
- Một trong những loại thuốc trị ngạt mũi phổ biến nhất là thuốc chống sung huyết: Thuốc có tác dụng làm co các mạch máu, nên làm giảm sưng, giảm ngạt mũi.
Thuốc có nhiều dạng như viên nén, si- rô, thuốc nhỏ, xịt mũi với các thành phần chính như pseudoephedrine, phenylephrine, naphazolin, oxymetazolin, xylometazoline… mang lại hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên sử dụng thuốc dài ngày, vì có thể gây tác dụng ngược làm tình trạng ngạt mũi nặng hơn và có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm, bao gồm:
- Tăng huyết áp: Thuốc chống sung huyết có thể gây tăng huyết áp, đặc biệt là khi sử dụng liều lượng cao hoặc trong thời gian dài. Vì vậy, người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch và các vấn đề về huyết áp cần hết sức thận trọng.
- Rối loạn giấc ngủ: Một số người sử dụng thuốc chống sung huyết có thể gặp rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu.
- Tác dụng phụ trên hệ thần kinh: Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ trên hệ thần kinh, bao gồm chóng mặt, mất cân bằng, lo lắng, mất trí nhớ và trầm cảm.
- Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: Một số người sử dụng thuốc chống sung huyết có thể gặp tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng.
- Phản ứng dị ứng: Mặc dù hiếm, nhưng một số người có thể phản ứng dị ứng với thuốc chống sung huyết. Phản ứng dị ứng có thể gây ra các triệu chứng như mẩn ngứa, phù mạch, khó thở.
Vì vậy, việc sử dụng thuốc chống sung huyết để trị ngạt mũi cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay lập tức.
- Loại thuốc trị ngạt mũi phổ biến khác là thuốc kháng histamin: Thuốc thường được sử dụng trong trường hợp ngạt mũi do dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc kháng histamin phổ biến như cetirizine, loratadine và fexofenadine có tác dụng giảm ngứa và chảy nước mũi.
Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của histamine, một chất gây ra dị ứng. Tuy nhiên, một số loại thuốc kháng histamin chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn. Lạm dụng thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không an toàn nếu sử dụng quá lâu. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, khô mắt, khô miệng.
Tóm lại, thuốc trị ngạt mũi có thể giúp giảm triệu chứng ngạt mũi và mang lại sự thoải mái tức thời. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được thực hiện đúng cách và theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. Người dùng cần hiểu rõ về công dụng, tác dụng phụ và hạn chế của thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị ngạt mũi. Nếu triệu chứng ngạt mũi kéo dài hoặc không giảm sau khi sử dụng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được đánh giá và điều trị thích hợp.
2. Thận trọng khi sử dụng thuốc thảo dược trị ngạt mũi
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, còn có một số biện pháp tự nhiên để giảm triệu chứng ngạt mũi vừa hiệu quả lại an toàn đó là sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi giúp loại bỏ dịch và giảm ngạt mũi.
Một số sản phẩm thảo dược có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn như hương thảo, bạc hà, cam thảo cũng có thể được sử dụng như một phương pháp để giảm triệu chứng ngạt mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng thảo dược để điều trị ngạt mũi chỉ nên là một phương pháp bổ trợ và không thay thế cho chỉ định của bác sĩ.
Một số loại thảo dược có thể không phù hợp cho nhóm người nhất định như phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em, người già, hoặc những người có các vấn đề sức khỏe cụ thể như bệnh tim, huyết áp cao, hoặc mắc bệnh dị ứng.
Một vấn đề khác khi sử dụng thảo dược là khả năng không chắc chắn về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong thành phần hoạt chất và mức độ tinh khiết, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn của sản phẩm.
Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào để điều trị ngạt mũi, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn, cung cấp thông tin chính xác và an toàn.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểm họa từ thói quen tiếc rẻ đồ ăn thừa