Cần xử lý hình sự để tăng mức độ răn đe
Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này liên quan đến quyền công dân, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong báo cáo của Ủy ban Xã hội có nhắc đến việc chấp hành quyết định xử phạt hành chính giai đoạn 2016 – 2020 rất thấp, mới thu được 25,2% tổng số tiền phải thu hồi.
Báo cáo chưa nêu về mặt xử lý hình sự với hành vi trốn đóng BHXH thế nào, việc khởi kiện theo pháp luật đối với doanh nghiệp chậm, không đóng bảo hiểm, gây ảnh hưởng tới người lao động.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 có bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHYT, trong đó có quy định hình phạt rất nghiêm khắc đối với những cá nhân có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, không đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị phạt tù đến 1 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng thậm chí còn có thể phạt ở khung cao hơn, phạt tù đến 7 năm và hành chính đến 1 tỉ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho ý kiến, cần thống kê từ khi Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực thì việc thực hiện thế nào, có bao nhiêu doanh nghiệp bị xử lý hình sự. Chính vì vậy, ông Tùng đề nghị cần xử lý hình sự để tăng mức độ răn đe, khắc phục tình trạng này.
Khó khăn trong vấn đề xử lý
ĐBQH Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội lưu ý về tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có chiều hướng tăng nhanh do tác động của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Ông Thường cho biết: "Khi doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động sẽ không được hưởng, giải quyết các trợ cấp như ốm đau, thai sản... Trong khi đó người lao động vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ đóng từ 10-15%. Rất nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra khiến đời sống của người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn".
Vị đại biểu đoàn TP. Hà Nội thẳng thắn, điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm nhưng người lao động phải gánh hậu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam có 8/9 loại hình bảo hiểm (trừ bảo hiểm gia đình). Theo Bộ trưởng, trước đây, khi nhắc đến BHXH, nhiều người thường nói câu cửa miệng là "vỡ quỹ". Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ kết dư tương đối tốt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung băn khoăn trước việc nhiều doanh nghiệp, đối tượng sử dụng lao động đang trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội. Pháp luật quy định xử lý hình sự nhưng về pháp nhân lại không xử lý được. Lúc này chủ doanh nghiệp lại là đại diện pháp nhân, gây khó khăn trong vấn đề xử lý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin: "Hội đồng thẩm phán có Nghị quyết 05, mới đầu tôi cũng kỳ vọng, nhưng trong pháp luật của ta quy định cá nhân xử lý hình sự, nhưng về pháp nhân thì không xử lý hình sự được. Vấn đề khó hơn là ở chỗ không phân biệt được chậm đóng, trốn đóng. Chậm đóng thì chỉ phạt, trốn đóng mới xử lý hình sự".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Xe khách có người mắc COVID-19 chạy chui 1.600km từ Bình Dương ra Hà Nội | SKĐS