Vì sao khi ăn thực phẩm giàu sắt không nên uống trà?

25-02-2022 06:37 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Trà là thức uống phổ biến có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, khi uống trà cùng thời điểm với một bữa ăn giàu chất sắt có thể làm giảm hấp thu sắt, giảm nồng độ sắt trong máu, đồng thời cũng làm giảm khả năng chống oxy hóa của trà xanh.

1. Uống trà có thể cản trở sự hấp thu sắt từ thức ăn không?

Sắt là một khoáng chất quan trọng được cơ thể chúng ta sử dụng để hình thành các tế bào hồng cầu và cung cấp oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi, khó thở, đau đầu, chóng mặt, khó tập trung và có thể bị thiếu máu do thiếu sắt.

Một số nghiên cứu cho thấy, đồ uống có chứa polyphenol như trà, cà phê và ca cao là những chất ức chế mạnh sự hấp thu sắt. Các polyphenol được tìm thấy trong trà và cà phê được cho là những chất ức chế chính hấp thụ sắt.

Đối với trà xanh, các hợp chất phenolic (hoạt động như chất chống oxy hóa) có trong lá trà xanh liên kết với sắt trong chế độ ăn uống và ức chế đáng kể sự hấp thụ của nó. Uống trà trong bữa ăn có thể làm giảm một nửa sự hấp thu sắt.

Vì sao khi ăn thực phẩm giàu sắt không nên uống trà? - Ảnh 2.

Các polyphenol được tìm thấy trong trà là những chất ức chế chính hấp thu sắt.

Ngoài ra, chất tanin được tìm thấy trong trà ức chế sự hấp thụ sắt. Những hợp chất này liên kết với sắt trong quá trình tiêu hóa, làm cho nó khó hấp thu hơn. Ảnh hưởng của chúng đối với sự hấp thu sắt phụ thuộc vào liều lượng, có nghĩa là sự hấp thu sắt giảm khi hàm lượng polyphenol trong thực phẩm hoặc đồ uống tăng lên.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các bữa ăn giàu protein và sắt cũng sẽ tương tác với các polyphenol trong trà xanh và làm giảm khả năng chống oxy hóa của chúng. Trong trường hợp này, bạn có thể không nhận được đầy đủ lợi ích từ trà xanh.

2. Nên uống trà như thế nào để không làm giảm hấp thu sắt?

Tanin là hóa chất được tìm thấy trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác nhau như các loại trà, hạt, rau và trái cây. Chúng là một loại polyphenol có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.

Tanin có thể cản trở cơ thể hấp thu sắt từ thực phẩm. Tuy nhiên, chúng cũng có đặc tính chống oxy hóa, có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, ung thư và các tình trạng sức khỏe khác.

Vì sao khi ăn thực phẩm giàu sắt không nên uống trà? - Ảnh 4.

Uống trà có thể cản trở sự hấp thu sắt.

Vì vậy, để nhận được tối đa lợi ích của trà và hạn chế sự cản trở hấp thu sắt, đặc biệt là đối với những người bị thiếu máu do thiếu sắt cần bổ sung thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn uống, bạn cần lưu ý:

- Khi ăn bữa ăn giàu thực phẩm bổ sung sắt, không nên uống trà cùng thời điểm. Nên uống trà ít nhất một giờ trước hoặc sau bữa ăn.

- Nếu bị thiếu máu do thiếu sắt, người bệnh cần phải thay đổi chế độ ăn uống. Cụ thể: tăng cường thực phẩm giàu chất sắt và thực phẩm giàu vitamin C, axit folic để giúp cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn.

- Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất sắt như: thịt bò, hàu, thịt gà; đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, rau lá xanh đậm (như rau bina và cải xoăn), ngũ cốc nhiều cám…

- Nên ăn các loại trái cây giàu vitamin C như: trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi), mâm xôi, việt quất, kiwi, xoài, đu đủ, dưa hấu, dứa, dâu tây, mơ khô, đào, mận khô… để giúp hấp thu sắt tốt hơn.

Vì sao khi ăn thực phẩm giàu sắt không nên uống trà? - Ảnh 5.

Nên uống trà xa bữa ăn.

Đồ uống có chứa polyphenol như trà có thể ức chế sự hấp thu sắt. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh có nguy cơ thiếu sắt thấp không cần hạn chế uống trà. Các nhóm có nguy cơ thiếu sắt bao gồm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người có chế độ ăn uống kém hoặc thiếu máu do thiếu sắt cần lưu ý tăng cường thực phẩm giàu sắt và tăng hấp thu sắt trong chế độ ăn uống, đồng thời cần lưu ý uống trà xa bữa ăn.
Người mắc bệnh thừa sắt nên ăn gì, kiêng gì để hạn chế hấp thu sắt?Người mắc bệnh thừa sắt nên ăn gì, kiêng gì để hạn chế hấp thu sắt?

SKĐS - Người mắc bệnh Hemochromatosis là do một rối loạn di truyền gây ra sự tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể. Để kiểm soát bệnh, người mắc bệnh Hemochromatosis cần tránh thực phẩm chứa nhiều sắt và những thực phẩm có thể làm tăng hấp thu sắt.

Xem thêm video đang được quan tâm

Lưu Ý Cho F0 Khi Tự Điều Trị Tại Nhà - SKĐS


Thu Vân
Ý kiến của bạn