Vì sao khán giả vẫn "khóc, cười" với kịch Lưu Quang Vũ?

25-09-2013 09:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tuần lễ liên hoan kịch Lưu Quang Vũ khép lại, nhưng dư âm của nó chưa hết. Đã rất lâu sân khấu kịch Việt Nam mới lại lôi được khán giả đến xem. Vì sao những sáng tác cách đây 30 năm, nhưng vẫn khiến người xem phải rưng rưng?

Tuần lễ liên hoan kịch Lưu Quang Vũ khép lại, nhưng dư âm của nó chưa hết. Đã rất lâu sân khấu kịch Việt Nam mới lại lôi được khán giả đến xem. Vì sao những sáng tác cách đây 30 năm, nhưng vẫn khiến người xem phải rưng rưng?
 
Báo đã trò chuyện với NSND - đạo diễn Phạm Thị Thành, người đầu tiên dàn dựng kịch Lưu Quang Vũ và cũng là người dựng kịch của ông nhiều nhất.

Vì sao khán giả vẫn "khóc, cười" với kịch Lưu Quang Vũ? 1
NSND - đạo diễn Phạm Thị Thành, người đầu tiên dàn dựng kịch Lưu Quang Vũ

Biến số phận con người thành vấn đề lớn của đất nước

- Theo bà, điều gì trong kịch Lưu Quang Vũ đã tạo sức hút vượt thời gian, đến tận giờ vẫn hấp dẫn, mang tính thời cuộc?

"Có đêm khán giả vỗ tay đến 40 lần một vở diễn. Tuy nhiên, cũng có điều buồn là tất cả những dự báo trong kịch của anh Vũ đến bây giờ vẫn thấy đúng và vẫn tiếp tục mang tính dự báo cho những năm tiếp theo".

NSƯT Chí Trung

Khi còn sống Lưu Quang Vũ luôn cập nhật các vấn đề thời sự, những vấn đề lớn bức xúc, nỗi niềm của người dân, của xã hội vào các sáng tác của mình. Các vấn đề anh Vũ đặt ra luôn luôn nhức nhối làm cho mọi người quan tâm và qua những chuyện thời sự đó anh nói lên những triết lý, quan niệm về cuộc sống, chính trị, xã hội.

Ví dụ, vở “Ông không phải là bố tôi”, anh Vũ lấy chuyện hai bố con tranh nhau nhà cửa, để nói đến việc: Cuộc đời con người có những lúc sống rất ngây thơ, ấu trĩ, đánh mất những giá trị căn bản của cuộc sống và phải chịu "quả báo".
 
Ông Ủng sợ lý lịch bố vợ không rõ ràng ảnh hưởng đến mình nên không dám nhận vợ con. Đến lúc hòa bình ông Ủng về thành phố ở, sau đó sống chung cùng với người con trai tên Thiết. Người con trai muốn chiếm nhà, nên trước tòa đã không nhận bố.
 
Hay như vở “Mùa hạ cuối cùng”, câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kỳ thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và mong đề thi cần phải được làm lại. Để đảm bảo danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được Ban giám hiệu chấp nhận và cậu bị liệt vào danh sách những học sinh cá biệt. Cuối cùng, Thời - một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.

Lưu Quang Vũ có cái tài là dự báo trước vấn nạn: Mất niềm tin trong việc thi cử và quan trọng hơn là việc giới trẻ mất lòng tin ở thầy, ở những người lớn, ở những người có trách nhiệm trong xã hội.

Lưu Quang Vũ có tài biến những cái vĩ đại thành những cái nhỏ. Và ngược lại, những chi tiết đời sống, rất con người của xã hội nói lên cái vĩ đại, tức là những vấn đề lớn của đất nước.

Trong vở “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”, từ một truyện dân gian của Việt Nam, nhưng Lưu Quang Vũ nói đến việc đổi mới của nhà nước mình. Anh ấy muốn nói việc đổi mới thể chế của một nhà nước phải đi đôi với cơ chế thực tế của xã hội hàng ngày; không thể chỉ nói suông mà phải có cơ chế đi cùng thì mới song song tiến lên được, Lưu Quang Vũ phê phán mạnh mẽ, thẳng thắn mặt trái của xã hội. Tuy nhiên, tất cả các vở kịch cuối cùng đều đưa đến một cái kết rất có hậu. Từ vở “Lời thề thứ 9” chính bà mẹ kêu gọi các con đừng manh động, rồi xã hội sẽ giải quyết dần. Hay vở “2.000 ngày oan trái” chính người anh giết em mình đổ lỗi cho người khác cuối cùng đã thú tội và anh công an cũng nhận lỗi do mình bởi ở trên cứ ép cho đúng thời hạn.

- Phê phán rất mạnh những mặt trái của xã hội, có bao giờ bà và Lưu Quang Vũ gặp rắc rối vì điều đó?

Nhiều chứ. Khi làm vở “Mùa hạ cuối cùng”, có ý kiến nói rằng tôi và Lưu Quang Vũ đã nói xấu 18 cơ quan. Mất đề thi, học sinh bỏ nhà ra đi, nhận tiền là nói xấu ngành Giáo dục, Hội Phụ nữ. Rồi có đoạn 2 em đi xem phim bỏ về bảo phim chán là nói xấu ngành Điện ảnh nước nhà, hay nói Đài phát thanh tắc trách… Họ bắt sửa thì chúng tôi cũng sửa, nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của vở diễn khi thể hiện những điều muốn nói bằng sự ước lệ.

Trước khi đưa vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đi diễn nước ngoài, trên phải duyệt rất kỹ. Nhưng chúng tôi không mỉa mai đất nước mà nói chung; ở đất nước, xã hội nào cũng thế. Hồn là hồn mà xác là xác. Anh hàng thịt phải có nội tâm của anh hàng thịt, không thể lẫn được.

Vì sao khán giả vẫn "khóc, cười" với kịch Lưu Quang Vũ? 2 
Một cảnh trong vở "Ông không phải là bố tôi"
tại đêm khai mạc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ

Thế hệ biên kịch sau khó với tới Lưu Quang Vũ

- Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ đã khép lại, cảm xúc của bà lúc này thế nào? Bà đánh giá thế nào về chất lượng các vở diễn ở Liên hoan lần này?

Trong 12 vở diễn được công chiếu đa số của các bạn trẻ sửa đổi và làm lại. Tôi thấy các bạn trẻ đã cố gắng đưa nhiều cái mới vào việc dàn dựng nhưng không phải vở nào cũng đạt được đến tư tưởng, chủ đề tác giả đề ra. Có những vở nặng về hình thức biểu diễn, có thay đổi có tìm tòi nhưng chủ đề sâu xa của nó cũng chưa làm tới. Hoặc có những vai diễn nêu bật ra được chủ đề thì diễn viên lại diễn chưa tới.

Tuy nhiên có thể thấy, thành công lớn là người xem đến rạp rất đông. Qua đó, có thể thấy Liên hoan lần này là cú hích để những người làm sân khấu phấn khởi, thấy rằng khán giả không quay lưng với kịch và sân khấu.

- Theo bà, sự thu hút khán giả hôm nay có đủ khiến các nhà biên kịch phải suy ngẫm về tính thời đại trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ?

Tất nhiên phải suy nghĩ, nhưng không phải ai cũng học được. Tài năng trong văn hóa - nghệ thuật một phần do bẩm sinh, một phần do chịu khó học, phần nữa do lao động miệt mài. Nhiều nhà viết kịch bây giờ cũng chịu khó lao động nhưng yếu tố bẩm sinh để từ đó trở thành tài hoa thì hiếm lắm. Điều mà thế hệ sau có thể học ở Lưu Quang Vũ là chịu khó học hỏi, chịu khó đọc, chịu khó tìm hiểu đề tài trong cuộc sống.

Theo Phạm Lý
Báo Giao thông Vận tải

Ý kiến của bạn