Sự chủ quan là mấu chốt
Ngày 29/1/2020, khi Italia phát hiện và cô lập các trường hợp nhiễm corona virus đầu tiên (từ 2 du khách người Trung Quốc), giới chức nước này tuyên bố họ đã tung ra hệ thống phòng ngừa an toàn nhất châu Âu. Ngày sau đó, Thủ tướng Italia -Giuseppe Conte - ngay lập tức ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp có hiệu lực 6 tháng, đưa Italia thành quốc gia đầu tiên phong tỏa các chuyến bay từ Trung Quốc. Thủ tướng Giuseppe cam kết: “Chúng tôi muốn khẳng định với nhân dân rằng, tình hình đã được kiểm soát”. Nhưng, đến ngày 11/3/2020, Italia lại trở thành quốc gia nhiễm COVID-19 cao thứ 2 bên ngoài Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo có rất ít nhà báo tham gia (nhằm giới hạn virus lây lan), người đứng đầu Cơ quan phòng ngừa dân sự Italia (ICP), ông Angelo Borrelli, đã đưa ra những số liệu mới nhất. Chỉ 20 ngày sau trường hợp lây nhiễm đầu tiên, giới chức Italia đã xác nhận có 12.462 ca nhiễm, 827 người chết và 1.028 người đang được chăm sóc tích cực. Các quốc gia láng giềng với Italia như Pháp, Đức, Anh cũng ghi nhận đà gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19.
Thành phố Codogno, tâm điểm bùng phát đại dịch COVID-19 ở Italia. Ảnh nguồn: WhoWhatWhy
Nhưng, thực chất chuyện gì đã xảy ra với Italia? Tại sao có nhiều người tử vong? Đang có một sự đồng thuận giữa các nhà khoa học rằng các trường hợp tử vong do virus corona thực tế đã không tấn công Italia chớp nhoáng. Các nhà khoa học Italia tin rằng virus corona lưu hành đã không được quan tâm ở Italia từ giữa tháng 1/2020, họ đã bỏ qua nhiều trường hợp có các triệu chứng nhẹ như ho và sốt nhẹ. Thậm chí nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng virus corona lây sang người ngay khi chưa biểu lộ bất kỳ triệu chứng nào. Ông Christina Althaus, một nhà dịch tễ học công tác tại Đại học Bern (Thụy Sỹ) phát biểu: “Có vẻ như dịch đã bùng phát từ đầu tháng 1/2020 và nó dần bùng phát. Các trường hợp nhiễm bệnh ban đầu có thể bị bỏ sót và tạo điều kiện cho virus thoải mái lây lan”.
Ông Nino Cartabellotta, nhà nghiên cứu y tế nổi tiếng, chủ tịch của quỹ GIMBE (Italia) nhận định: “Có 3 lý do khác nhau khiến cho các ca nhiễm ban đầu đã không bị phát hiện. Một là, các trường hợp tưởng là bệnh viêm phổi thông thường nên không cần xét nghiệm coronavirus. Hai là, một số trường hợp bị nhiễm nhưng với các triệu chứng nhẹ nên không được kiểm soát. Ba là mức độ quan tâm về chính sách y tế dựa trên việc phát hiện ra coronavirus”.
Cụ thể như trường hợp nam bệnh nhân 38 tuổi bệnh viện A&E tại Codogno (miền Bắc nước Italia), ngày 18/2/2020. Bệnh nhân này bị sốt cao trong suốt 2 ngày, nhưng nhân viên y tế lại không chẩn đoán bệnh nhân có nhiễm coronavirus nên được cho về nhà. Khi bệnh nặng, người đàn ông này quay lại bệnh viện và được xác nhận là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Italia. Từ đó đến nay, dịch bùng phát ở quốc gia này việc kiểm soát trở nên khó khăn.
Ngay trong mùa dịch COVID-19, người Ý vẫn vô tư đi quán rượu, không đeo khẩu trang, càng góp phần làm tăng sự lây nhiễm của virus. Ảnh nguồn: Italy Magazine.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Codogno là người lây lan virus cho các nhân viên y tế và các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe kém ngay tại Bệnh viện A&E. Đến ngày 23/2/2020, giới chức Italia đã phong tỏa 50 nghìn dân ở Codogno và 10 thị trấn khác. Các biện pháp kiểm soát cũng áp dụng đối với Milan, bao gồm đóng cửa các trường học và giờ giới nghiêm sau 6 giờ tối đối với các quán rượu và nhà hàng. Ngày 27/2/2020, Italia ra quyết định chỉ xét nghiệm cho bệnh nhân có các triệu chứng bệnh, đồng nghĩa là dữ liệu chính thức chỉ phát hiện một phần người nhiễm bệnh, điều này đã góp phần làm cho dịch bệnh lây lan lên con số hàng vạn người.
Khủng hoảng y tế
Thống đốc Lombardy, Attilio Fontana (thuộc Liên minh cực hữu) đã nói trước quốc hội rằng coronavirus “cũng giống như cúm thường” vào ngày 25/2/2020. Nhà lãnh đạo của đảng dân chủ trung tả (PD) Nicola Zingaretti phát biểu tại Milan rằng “Đất nước phải cẩn thận nhưng tránh hủy hoại cuộc sống hay phát tán hoảng loạn”. Thị trưởng Milan-Giuseppe Sala khuyến khích người dân Milan chớ nên lo sợ. Nhưng đến ngày 4/3/2020, khi số lượng người nhiễm lên tới 2.706 người, các trường học nói chung đã bị đóng cửa trên toàn quốc. Đầu tháng 3/2020, các bệnh viện ở Lombardy bắt đầu quá tải. Các bác sĩ ví von cái mà họ gọi là “cơn sóng thần các bệnh nhân”. Một số bác sĩ báo cáo rằng họ làm việc thêm 25 tiếng mỗi tuần, số khác làm việc hơn 14 tiếng/ngày, hoặc làm việc miệt mài 24 ngày liên tiếp.
Bác sĩ Italia phải làm việc quá sức do bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt. Ảnh nguồn: Greek City Times.
Ông Francesco Longo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe và quản lý chăm sóc xã hội tại Đại học Bocconi (Milan) cho rằng: “COVID-19 là một bệnh lý gây áp lực lên dịch vụ y tế các địa phương. Thường thì bệnh viện có thể điều trị 2 hoặc 3 ca bệnh viêm phổi mỗi ngày. Khi dịch xảy ra đột ngột phải điều trị tới 40 ca /ngày. Không ai đủ khả năng để làm việc gấp 10 lần so với bình thường. Mặt khác, sự thiếu ngân sách trong dịch vụ y tế Italia cũng khiến cho khủng hoảng càng thêm tồi tệ. Dịch vụ y tế quốc gia nên làm việc 80% hay 90% khả năng và đôi khi họ làm việc tới 95%, áp lực đã nổ tung khi COVID-19 tấn công”. Tuy vậy, người Italia vẫn tự do đi lại trên phố. Họ vẫn đông kín các khu resort trượt tuyết, tham dự các sự kiện văn hóa và bù khú rượu chè ở các đám đông.
Ngày 8/3/2020, chính phủ Italia áp lệnh phong tỏa đầu tiên cho vùng Lombardy, gánh nặng đã đè lên dịch vụ y tế quốc gia. Hàng trăm người chết trên khắp đất nước với tỷ lệ tử vong gần 8% ở Lombardy (vẫn là tỷ lệ cao cho đến thời điểm này). Tuổi thọ cao cũng là một nhân tố đáng quan tâm. 22,6% dân số Italia ở độ tuổi 65 trở lên (cao nhất thế giới).